Ninh Bình sẽ tiếp nhận 350 nghìn liều vắc xin Sputnik V của Nga
Theo thông tin từ Trung tâm CDC tỉnh, trong chiến dịch tiêm chủng đầu tháng 10/2021, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp nhận 350 nghìn liều vắc xin Sputnik V của Nga. Hiện Trung tâm đã tiếp nhận về kho bảo quản vắc xin của Trung tâm 250 nghìn liều vắc xin, dự kiến tiêm phòng từ ngày 9/10 cho các đối tượng theo Quyết định 3355 của Bộ Y tế và mở rộng thêm đối với nhiều người dân vùng nguy cơ cao, vùng giáp ranh.
Vắc xin Sputnik V được phát triển dựa trên nền tảng vector adenovirus đăng ký đầu tiên trên thế giới, lịch tiêm là 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 3 tuần. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả lên tới 91,6%. Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau khi tiêm, 98% tình nguyện viên có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Vắc xin Sputnik V được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 23/3/2021.
Vắc xin Sputnik V hiện đã được Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế là đối tác nhận chuyển giao công nghệ gia công đóng gói và sản xuất vắc xin của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tại Việt Nam. Theo hợp đồng sản xuất, chuyển giao công nghệ và nhập khẩu với số lượng giai đoạn đầu tiên đến tháng 6/2022 là 40 triệu liều vắc xin, sau đó sẽ tiếp tục nâng công suất sản xuất vắc xin.
Tính đến ngày 5/10, tỉnh Ninh Bình đã được Bộ Y tế phân bổ trên 212 nghìn liều vắc xin phòng COVID-19. Qua 7 đợt tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, từ cuối tháng 4/2021 đến ngày 6/10, toàn tỉnh đã tiêm phòng được trên 227 nghìn liều vắc xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên. Trong đó, số người tiêm tối thiểu 1 mũi là trên 179 nghìn người, số người tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin là trên 48 nghìn người. Tỷ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn tỉnh hiện đã đạt trên 20%.
Với 350 nghìn liều vắc xin Sputnik V của Nga và các một số loại vắc xin khác được Bộ Y tế phân bổ và doanh nghiệp trao tặng, tỉnh Ninh Bình sẽ nhanh chóng triển khai tiêm chủng cho các đối tượng, phấn đấu tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 sẽ đạt 50% dân số vào cuối năm 2021 theo kế hoạch đề ra, phấn đấu sớm đạt miễn dịch cộng đồng.