Ninh Bình sơ tán gần 1.200 người dân khỏi các khu nhà xuống cấp trước khi bão đổ bộ

Ngày 21/7, chính quyền và lực lượng chức năng phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình đã khẩn trương triển khai phương án sơ tán gần 1.200 nhân khẩu tại các khu nhà ở xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước diễn biến phức tạp của bão số 3...

Khu chung cư 5 tầng (đường Trần Đăng Ninh, phường Nam Định) được xây dựng từ năm 1978, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Khu chung cư 5 tầng (đường Trần Đăng Ninh, phường Nam Định) được xây dựng từ năm 1978, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo UBND phường Nam Định, hiện trên địa bàn có nhiều khu tập thể, chung cư cũ được xây dựng từ trước những năm 1970, đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi có mưa lớn, gió giật, người dân sống trong các khu nhà này luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn.

Trước tình hình đó, đặc biệt là trong bối cảnh bão số 3 đang tiến gần với diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng phường Nam Định đã khẩn trương xuống từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thu dọn tài sản và tổ chức di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn.

Thông tin từ lãnh đạo UBND phường Nam Định cho biết phường đã lập danh sách 462 hộ dân đang sống tại các khu nhà yếu, chung cư cũ có nguy cơ mất an toàn, với tổng cộng gần 1.200 nhân khẩu cần được sơ tán.

Ông Phạm Hồng Thái, Chủ tịch UBND phường Nam Định (thứ 2 bên phải), khảo sát, vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn tránh bão. Ảnh: Thanh Bình

Ông Phạm Hồng Thái, Chủ tịch UBND phường Nam Định (thứ 2 bên phải), khảo sát, vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn tránh bão. Ảnh: Thanh Bình

Ngày 21/7/2025, UBND phường đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương án sơ tán người dân tại các khu nhà có nguy cơ sập đổ. Những địa điểm tạm trú đã được chuẩn bị sẵn bao gồm trụ sở công sở, trường học, trạm y tế. Đồng thời, các lực lượng công an, dân phòng được cắt cử túc trực nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực sơ tán.

Song song với đó, lực lượng chức năng địa phương cũng tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chằng chống lại nhà cửa, di chuyển đồ đạc khỏi những khu vực có nguy cơ ngập úng hoặc sạt lở.

Để chủ động ứng phó bão số 3 và các hình thái thiên tai đi kèm như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng..., Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các địa phương trong toàn tỉnh không được chủ quan, lơ là, mà phải khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc và hành động ngay từ cơ sở.

Trong đó, việc đặc biệt quan trọng là rà soát lại tất cả các khu nhà ở cũ, nhà công vụ, chung cư xây dựng trước năm 1990, những nơi có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân khi xảy ra thiên tai. Phường Nam Định là một trong những địa phương đầu tiên triển khai phương án di dời dân tại chỗ một cách khẩn trương và quyết liệt.

Lực lượng chức năng chuẩn bị nơi ăn ở cho người dân trong thời gian cơn bão số 3 đổ bộ. Ảnh: Thanh Bình

Lực lượng chức năng chuẩn bị nơi ăn ở cho người dân trong thời gian cơn bão số 3 đổ bộ. Ảnh: Thanh Bình

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh các địa phương phải chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, có quyết định di dời sớm đối với người dân tại các khu vực nguy hiểm. Đồng thời, các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.

Chính quyền tỉnh cũng đã yêu cầu người dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, cột điện, trạm thu phát sóng viễn thông, biển quảng cáo và cây xanh... để phòng ngừa thiệt hại.

Đặc biệt, các đơn vị cấp nước, tiêu thoát nước được yêu cầu tập trung thực hiện rút nước đệm ở các vùng trũng thấp, các điểm đô thị có khả năng ngập sâu, tiêu nước chậm.

Cùng với đó, lực lượng phòng chống thiên tai cũng đã triển khai kiểm tra hiện trạng các tuyến đê điều, hồ đập, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu để sẵn sàng vật tư, máy móc, phương tiện xử lý sự cố từ sớm, không để xảy ra tình huống bất ngờ, bị động.

Ngoài các biện pháp phòng chống tại khu vực đất liền, Ninh Bình cũng chú trọng bảo đảm an toàn cho người dân và tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Chính quyền các địa phương ven biển được yêu cầu khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, bố trí nơi neo đậu an toàn.

Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu cá, lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ; đồng thời sẽ xử lý nghiêm các chủ phương tiện cố tình không chấp hành chỉ đạo sơ tán, gây nguy hiểm cho bản thân và lực lượng cứu hộ.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ninh-binh-so-tan-gan-1-200-nguoi-dan-khoi-cac-khu-nha-xuong-cap-truoc-khi-bao-do-bo.htm