Ninh Bình tạo mặt bằng sạch, hút nhà đầu tư thứ cấp
Ninh Bình đã và đang tích cực phát triển, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư thứ cấp thúc đẩy sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.
Nỗ lực phát triển hạ tầng
Hoàn thiện hạ tầng, tối ưu hiệu quả khu công nghiệp, cụm công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định. Do đó, địa phương đang tích cực thúc đẩy triển khai và hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Khánh Lợi có diện tích 63ha với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Khánh Lợi, tỉnh Ninh Bình. Ảnh minh họa
Dự án được xây dựng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, nhà đầu tư thứ cấp chuyên nghiệp có lĩnh vực đầu tư, thuộc các ngành nghề công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đem lại giá trị gia tăng cao. Qua đó, tạo động lực để các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng của các nhà đầu tư, thương hiệu lớn, uy tín.
Dự án dự kiến sẽ tạo ra hơn 3.000-5.000 việc làm cho người lao động, từ đó thu hút nhiều lao động có trình độ, chuyên môn cao trong khu vực. Dự kiến đến hết năm 2026 sẽ hoàn thành toàn bộ việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật mua sắm và lắp đặt thiết bị của dự án, hứa hẹn sẽ là một hình mẫu tốt về chất lượng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, không gian và thu hút đầu tư hiệu quả, đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh; góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã thành lập, mở rộng 17 cụm công nghiệp với tổng diện tích 657,9428 ha, trong đó 13 cụm đi vào hoạt động với tổng diện tích thành lập 493,94 ha. Trong 17 cụm công nghiệp, có 10 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng; thu hút được 108 dự án thứ cấp và 256 đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Doanh thu của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt hơn 11.300 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho hơn 32 nghìn lao động.
Theo quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ có 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 1.253,73 ha. Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động.
Việc hình thành hệ thống các cụm công nghiệp có quy mô hợp lý được kỳ vọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ. Đây cũng là bước tạo đà vững chắc để từng bước đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí, cực tăng trưởng phía Nam của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.
Góp sức thực hiện mục tiêu lớn
Năm 2025, Ninh Bình phấn đấu tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 37% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 15-20%. Để đạt mục tiêu này, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình phối hợp với các sở, ngành liên quan đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

Ninh Bình phấn đấu trở thành trung tâm về công nghiệp cơ khí. Ảnh minh họa
Để thu hút nhà đầu tư, bao gồm cả đầu tư thứ cấp, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thành lập mới, mở rộng cụm công nghiệp. Tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, kết hợp ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Thực tế phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua cho thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện phát triển từ bước hướng dẫn, phê duyệt hồ sơ đầu tư; giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; tư vấn, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư thứ cấp; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động …
Tuy nhiên, để việc phát triển hạ tầng cụm công nghiệp thực sự thuận lợi, đại diện chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ khó trong việc thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao; gỡ khó về công tác giải phóng mặt băng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp là định hướng quan trọng giúp Ninh Bình tăng thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nhằm trở thành trung tâm về công nghiệp cơ khí, cực tăng trưởng phía Nam của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.