Ninh Bình: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra

Tỉnh Ninh Bình đã triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo tài sản và tính mạng cho Nhân dân vùng lũ. Đồng thời tổ chức nghiêm công tác tuần tra, theo dõi các tuyến đê sông Hoàng Long.

Đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết

Chiều 12/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Ninh Bình.

Đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng trực sẵn sàng vận hành ứng trực tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc; trạm bơm Gia Viễn (huyện Gia Viễn); thăm tặng quà các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả mưa bão, các hộ dân bị ngập lụt tại thôn Kênh Gà.

 Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đi kiểm tra vùng ngập lụt tại thôn Kênh Gà (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn), nơi đang có gần 700 hộ dân bị cô lập.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đi kiểm tra vùng ngập lụt tại thôn Kênh Gà (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn), nơi đang có gần 700 hộ dân bị cô lập.

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, lượng mưa đo được từ ngày 5/9 - 12/9 là trên dưới 400 mm. Bên cạnh đó, tại Bắc Bộ cũng liên tiếp xảy ra mưa rất lớn, mực nước trên sông Hoàng Long và sông Đáy liên tục trên mức báo động III. Dự báo vào 19h ngày 12/9 mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng lên mức 5,3m.

Theo ông Ngọc, hiện toàn tỉnh Ninh Bình đã có hơn 3.000 hộ dân chịu cảnh ngập lụt; hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, 5 tuyến giao thông bị chia cắt...

Trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của nước lũ trên các sông, tỉnh Ninh Bình đã có các phương án cụ thể để ứng phó, sẵn sàng vận hành xả tràn nếu mực nước tiếp tục dâng cao.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp tuyến đê Hoàng Long lên cao trình 6.0m, đồng thời, xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ trên địa bàn tỉnh; đảm bảo đời sống ổn định gần 25.000 hộ dân (khoảng 100 nghìn nhân khẩu), đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh sử dụng, phát huy giá trị khoảng gần 15.000 ha phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, có chính sách chung hoặc giao cho tỉnh ban hành chính sách thực hiện di dời các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, nhất là trong vùng di sản.

Chia sẻ với những khó khăn của Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo công tác '4 tại chỗ'. Trước mắt, ông Hưng đề nghị tỉnh Ninh Bình sơ tán những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng yêu cầu, trong tình huống xấu nhất phải xả tràn Lạc Khoái, tỉnh Ninh Bình, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân; bảo đảm cho nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, bên cạnh đó phải lưu ý đến vấn đề y tế, phòng chống dịch bệnh.

Đối với những đề xuất của tỉnh Ninh Bình, đồng chí cho rằng rất sát và phù hợp với thực tế, Bộ Chính trị sẽ phân công các đoàn công tác về làm việc về những đề xuất của địa phương.

Lệnh di dân vùng phân lũ, xả lũ

Theo bản tin lúc 23 giờ của Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Bình, tại thời điểm 23 giờ ngày 12/9/2024, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,91 m (trên báo động 3: 0,91m).

 Ninh Bình lệnh di dân vùng phân lũ, xả lũ.

Ninh Bình lệnh di dân vùng phân lũ, xả lũ.

Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu biến đổi chậm; tại Bến Đế khả năng dao động ở mức 4,90-5,10m.

Trước đó, vào hồi 14 giờ, ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đo được là 4,9 m. Theo quy định về quy trình xả tràn, khi lũ trên sông lên 4,9 m thì thực hiện di dân.

Do vậy, 15 giờ ngày 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ký Lệnh di dân. Hai địa phương Nho Quan và Gia Viễn đã thực hiện nghiêm việc tiến hành di dân theo quy định, để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho Nhân dân khi có tình huống xả tràn xảy ra.

Theo kịch bản, phương án phòng chống lũ trên sông Hoàng Long đã được phê duyệt, nếu trời tiếp tục mưa, nước lũ lên trở lại vượt mức 5,3 m tại Bến Đế, trên cơ sở phân tích thực tế và căn cứ khoa học sẽ tiến hành phân lũ qua tràn Lạc Khoái. Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế trong 12-24 giờ tới dao động ở mức 4,90-5,10m.

 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc kiểm tra điểm xung yếu tuyến đê tả Hoàng Long trên địa bàn xã Gia Phú (Gia Viễn).

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc kiểm tra điểm xung yếu tuyến đê tả Hoàng Long trên địa bàn xã Gia Phú (Gia Viễn).

Ngay trong đêm, 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã kiểm tra các tuyến đê Hoàng Long, kiểm tra điểm rò rỉ chân đê tại địa phận xã Gia Phú trên đê tả Hoàng Long, huyện Gia Viễn; kiểm tra tuyến đê Đức Long - Gia Tường, huyện Nho Quan; kiểm tra và động viên các lực lượng trực tuần tra đê, đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục giữ vững tinh thần, chủ động, linh hoạt trong xử lý các tình huống, với phương châm an toàn của Nhân dân phải đặt lên hàng đầu.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ninh-binh-theo-doi-chat-che-dien-bien-cua-thoi-tiet-san-sang-xu-ly-cac-tinh-huong-xay-ra-post312117.html