Ninh Bình: Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho phát triển các cụm công nghiệp
Thời gian qua, Ninh Bình đã đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, ngày càng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp (CCN). Việc quy hoạch, xây dựng các CCN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn
Giai đoạn từ năm 2010-2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 17 cụm công nghiệp được thành lập, mở rộng với tổng diện tích 616,22 ha. Trong đó có 07 CCN với diện tích 200,8ha đã giao cho Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Phát triển CCN làm chủ đầu tư; 01 CCN (Ninh Vân) do UBND huyện Hoa Lư làm chủ đầu tư và 09 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư với diện tích 384,7654 ha.
Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 73.260 tỷ đồng, tăng gần 7,5% so với cùng kỳ, đạt 106,2 % kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.700 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 14.000 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022; các KCN giải quyết việc làm cho 39.257 lao động, lương bình quân của người lao động đạt trên 6 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chi Công Thương, Ông Vũ Văn Hưng – Giám đốc Trung tâm khuyến công, Xúc tiến thương mại và Phát triển CCN Ninh Bình cho biết: Nhận được sự quan tâm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trực tiếp là Sở Công thương Ninh Bình, Trung tâm đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, chủ động linh hoạt triển khai nhiều hoạt động khuyến công xúc tiến thương mại và Công nghiệp hỗ trợ bằng các hình thức mới phù hợp, thiết thực nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Việc đầu tư phát triển CCN đã tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất ô tô, sản xuất linh kiện điện tử; đồng thời góp phần phát triển các nghề truyền thống, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho lao động khu vực nông thôn, từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư vào trong các CCN.
Năm 2023, Ninh Bình tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào các CCN và khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục tại các KCN mới như KCN Phú Long, KCN Tam Điệp II, Khu 25 ha Gián Khẩu mở rộng.
Với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững theo hướng công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại, Ninh Bình tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; ưu tiên các dự án tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Quyết định số 1496/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ quy hoạch 25 CCN với tổng diện tích 946,3ha.
Giai đoạn 2021-2025, Sở Công thương tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển doanh nghiệp và các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.