Ninh Bình triển khai thực hiện Đề án phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường
UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Công Thương triển khai thực hiện Đề án phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Theo Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này.

Theo đề án 100% doanh nghiệp trong nước được tư vấn, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Mục tiêu xây dựng và triển khai Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 08/5/2025 của UBND tỉnh Ninh Bình là tập trung thu hút mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đảm bảo hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương:
- Phấn đấu công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt tăng trưởng 12,0- 13,0%/năm trong thời kỳ 2021-2030; tỷ trong giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo chiếm trên 93% ngành công nghiệp và đóng góp trên 40% trong GRDP tỉnh Ninh Bình vào năm 2030.
- Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt từ 20-25% vào năm 2030 và đạt trên 25% vào năm 2035.
- Tổng vốn đầu tư thu hút vào các dự án sản xuất ngành chế biến, chế tạo 2 trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 40.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030.
- Phấn đấu số lượng doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo có trên 950 doanh nghiệp vào năm 2030, đạt mức tăng trên 45% so với năm 2020.
- 100% doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, hỗ trợ về nhu cầu tìm kiếm, thông tin, kết nối hợp tác với các đối tác tiềm năng trên địa bàn tỉnh.
- 100% doanh nghiệp trong nước được tư vấn, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
- Đến năm 2030, có ít nhất 05 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất với doanh nghiệp FDI trong một số ngành chế biến, chế tạo.
- Tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp: KCN Tam Điệp II (Tp Tam Điệp), KCN - Đô thị - Dịch vụ Gián Khẩu II (huyện Gia Viễn), KCN - Đô thị - Dịch vụ Phú Long, KCN Kim Sơn và các CCN: Khánh Lợi và Khánh Lợi II (huyện Yên Khánh), Trung Sơn (Tp Tam Điệp), cụm công nghiệp Gia Phú - Liên Sơn (huyện Gia Viễn). Trong đó, KCN-Đô thị-Dịch vụ Gián Khẩu II phát triển theo hướng khu công nghiệp thông minh.

Dây chuyền lắp ráp sản xuất ô tô được tự động hóa bằng robot nhằm gia tăng sự chính xác và đảm bảo chất lượng.
Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch được bố trí từ các nguồn: Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; Nguồn vốn đầu tư công; Nguồn vốn lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, chương trình, kế hoạch, dự án khác có liên quan theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Nguồn vốn vay ưu đãi, các nguồn tài trợ, viện trợ khác được huy động 3 theo quy định của pháp luật.; Nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Ninh Bình ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường
UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan theo quy định; Các sở, ban ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm báo cáo kết quả thực hiện và những kiến nghị, đề xuất (nếu có) về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đề án phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, dựa trên năng lực kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị của tỉnh Ninh Bình triển khai hiệu quả sẽ góp phần thu hút mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế làm nền tảng để xúc tiến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát huy các thế mạnh về vị trí, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và chuỗi cung ứng, sản xuất của địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng./.