Ông Trump yêu cầu Apple ngừng xây nhà máy sản xuất iPhone cho thị trường Mỹ ở Ấn Độ, chuyên gia nói gì?
Tổng thống Donald Trump cho biết đã yêu cầu Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) ngừng xây dựng các nhà máy tại Ấn Độ để sản xuất thiết bị cho thị trường Mỹ.
Song song đó, ông Trump thúc đẩy Apple tăng cường sản xuất trong nước khi hãng này đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc.
“Tôi đã có một chút vấn đề với Tim Cook hôm qua. Tôi nói với cậu ấy: ‘Tim, cậu là bạn tôi, tôi đã đối xử với cậu rất tốt. Thế nhưng, tôi nghe nói cậu đang xây dựng nhà máy khắp nơi ở Ấn Độ. Tôi không muốn cậu làm vậy”, Tổng thống Trump kể về cuộc trò chuyện với Giám đốc điều hành Apple khi đang có chuyến thăm Qatar hôm 15.5.
Ông Trump nói rằng sau cuộc thảo luận đó với Tim Cook, Apple sẽ “tăng sản lượng tại Mỹ”.
Đại diện Apple tại Ấn Độ không phản hồi khi được hỏi về vấn đề này.

Tổng thống Trump tham quan nhà máy của Apple tại thành phố Austin (Mỹ) cùng Tim Cook vào năm 2020 - Ảnh: Yonhap
Kế hoạch của Apple bị cản trở
Phát biểu từ ông Trump có thể cản trở kế hoạch của Apple nhằm nhập khẩu phần lớn iPhone bán tại Mỹ từ Ấn Độ vào cuối năm 2026, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị. Hiện nay, Apple sản xuất phần lớn iPhone tại Trung Quốc và không có hoạt động lắp ráp smartphone nào ở Mỹ, dù đã cam kết tuyển dụng thêm lao động trong nước và đầu tư 500 tỉ USD tại quê nhà 4 năm tới.
Việc xây dựng dây chuyền sản xuất iPhone từ đầu tại Mỹ sẽ cực kỳ khó khăn, ngay cả với công ty giàu tiền mặt như Apple. Chuỗi cung ứng iPhone và lực lượng lao động có tay nghề cho một sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao như vậy đã tập trung ở Trung Quốc nhiều năm, trong khi Apple chỉ bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác tại Ấn Độ gần đây.
Chi phí lao động và sản xuất cao tại Mỹ cũng khiến việc lắp ráp iPhone ở đây trở nên không khả thi.
Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Apple, với lượng khách hàng lớn đầy tiềm năng. Chính phủ Ấn Độ cũng có chính sách trợ cấp để hỗ trợ mở rộng hoạt động lắp ráp thiết bị điện tử.
Chuyên gia nói gì?
“Đây là một chiến thuật quen thuộc của Trump: Ông ấy muốn thúc đẩy Apple nội địa hóa nhiều hơn và xây dựng chuỗi cung ứng tại Mỹ, điều mà không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Sản xuất tại Mỹ cũng sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với lắp ráp iPhone ở Ấn Độ”, Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại hãng phân tích công nghệ Counterpoint, nhận định.
Apple và các đối tác cung ứng đã đẩy nhanh việc chuyển dịch khỏi Trung Quốc, một quá trình bắt đầu từ thời kỳ phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) ở thành phố Trịnh Châu. Các mức thuế do ông Trump áp đặt cùng căng thẳng Mỹ - Trung khiến Apple càng đẩy mạnh nỗ lực này.
Các nhà máy iPhone tại Ấn Độ hiện sản xuất hơn 40 triệu chiếc mỗi năm, chiếm khoảng 20% sản lượng smartphone toàn cầu của Apple. Dù ông Trump kêu gọi Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, việc thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và năng lực lắp ráp trong nước khiến điều này gần như bất khả thi trong ngắn hạn.
“Apple có một trong những chuỗi cung ứng tinh vi nhất được xây dựng qua nhiều năm. Việc phá vỡ hoặc hoàn toàn rút khỏi Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ là vô cùng khó khăn”, Tarun Pathak nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Trump không phản đối việc Apple sản xuất các thiết bị tại Ấn Độ để phục vụ cho thị trường này.
Tổng thống Trump cũng đề cập đến các cuộc đàm phán về thuế quan với Ấn Độ, cho biết quốc gia Nam Á này đã đưa ra đề nghị hạ thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ. Theo ông Trump, Ấn Độ là một trong những quốc gia có rào cản thuế quan cao nhất thế giới, khiến việc bán sản phẩm Mỹ tại quốc gia đông dân nhất hành tinh trở nên rất khó khăn.
Hai đối tác lắp ráp iPhone chính của Apple ở Ấn Độ xây thêm các nhà máy mới
Tại Ấn Độ, phần lớn iPhone được lắp ráp tại nhà máy của Foxconn ở miền nam nước này.
Tata Electronics, bộ phận sản xuất thiết bị điện tử của tập đoàn Tata Group (Ấn Độ), là đối tác lắp ráp iPhone quan trọng khác cho Apple. Tata Group đã mua lại các nhà máy lắp ráp iPhonecủa Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại Ấn Độ.
Tata Group và Foxconn đang xây dựng thêm các nhà máy mới cũng như tăng năng lực sản xuất tại miền nam Ấn Độ, theo hãng tin Bloomberg.
Apple đã lắp ráp số iPhone trị giá 22 tỉ USD tại Ấn Độ trong 12 tháng tính đến hết tháng 3.2025, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước đó.
Việc vận chuyển iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ gia tăng sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng vào tháng 2, theo các nguồn tin. Sản lượng và xuất khẩu trung bình của Apple từ Ấn Độ đã tăng đều trong suốt năm tài chính tính đến tháng 3.
Theo hãng tin Reuters và The Times of India, Apple đã vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone, tương đương 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ sang Mỹ trước khi mức thuế mới của ông Trump có hiệu lực.
Khoảng 6 chuyến bay chở hàng, mỗi chiếc có sức chứa 100 tấn, đã cất cánh kể từ tháng 3, trong đó có một chuyến tuần này, nguồn tin và một quan chức chính phủ Ấn Độ xác nhận.
Theo số liệu đo lường của Reuters, trọng lượng đóng gói một chiếc iPhone 14 kèm cáp sạc vào khoảng 350 gram, cho thấy tổng hàng hóa 600 tấn tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone, sau khi đã tính thêm phần trọng lượng bao bì.
Hiện tại, Apple đã lắp ráp toàn bộ dòng iPhone tại Ấn Độ, gồm cả các mẫu cao cấp Pro vỏ titanium. Thành công trong sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp từ chính phủ, gắn liền với tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu.
Ông Narendra Modi đang nỗ lực mở rộng ngành sản xuất linh kiện điện tử với gói hỗ trợ tài chính mới trị giá 2,7 tỉ USD và tập trung phát triển tham vọng sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Apple chiếm gần 8% thị phần smartphone tại Ấn Độ, với doanh thu (phần lớn từ iPhone) đạt gần 8 tỉ USD trong năm tài chính 2024.
Ở buổi báo cáo kết quả tài chính quý 1/2025 của Apple, Tim Cook cho biết phần lớn iPhone xuất khẩu sang Mỹ trong quý 2 sẽ đến từ Ấn Độ. Tuy nhiên, với hai mẫu iPhone cao cấp và mang về lợi nhuận cao nhất là iPhone Pro cùng Pro Max, các nhà máy Trung Quốc vẫn sẽ chịu trách nhiệm phần lớn năng lực sản xuất, theo những người thân cận với chuỗi cung ứng của Apple.
Dù các nhà máy tại Ấn Độ có khả năng xuất xưởng các mẫu iPhone Pro, hạ tầng và năng lực kỹ thuật ở đây hiện chưa đủ để sản xuất hàng loạt bằng quy mô mà Trung Quốc cung cấp. Các mẫu iPhone Pro được trang bị hệ thống camera tiên tiến hơn và pin dung lượng lớn hơn.
Ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ) ước tính trong số khoảng 65 triệu chiếc iPhone được bán tại Mỹ năm ngoái, có khoảng 36 đến 39 triệu là mẫu Pro hoặc Pro Max.
Cân nhắc tăng giá dòng iPhone 17
Apple đang cân nhắc tăng giá dòng iPhone 17 khi giới thiệu các tính năng mới và thay đổi thiết kế vào tháng 9 tới, theo nguồn tin thân cận với nhật báo The Wall Street Journal.
The Wall Street Journal đưa tin Apple quyết tránh bất kỳ kịch bản nào khiến công ty bị cho là tăng giá dòng iPhone 17 do thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc, nơi lắp ráp phần lớn iPhone.
Hôm 12.5, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tạm ngừng phần lớn các loại thuế quan áp lên hàng hóa của nhau, cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau vài ngày đàm phán, Mỹ tạm thời hạ thuế với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%. Trong khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu hàng từ Mỹ về mức 10%.
Cổ phiếu Apple tăng mạnh sau thông tin này dù mức thuế 20% mà ông Donald Trump áp đặt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai với hàng hóa Trung Quốc, viện dẫn vai trò của nước này trong nạn buôn bán fentanyl, vẫn giữ nguyên và áp dụng cho cả smartphone.
Ông Trump từng miễn trừ smartphone và một số sản phẩm điện tử tiêu dùng phổ biến khác khỏi thuế đối ứng với hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế đối ứng này sẽ tạm thời giảm từ 125% xuống còn 10% theo thỏa thuận thương mại hôm 12.5.
Tháng trước, Amazon đã lọt vào tầm ngắm của Nhà Trắng sau khi đơn vị vận chuyển giá rẻ thuộc công ty này được cho cân nhắc niêm yết phí nhập khẩu do thuế quan từ Mỹ. Thông tin đó khiến chính quyền Trump cáo buộc Amazon có hành vi chính trị thù địch.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ nhanh chóng đính chính rằng ý tưởng này “chưa từng được phê duyệt và sẽ không xảy ra”.
Trường hợp đó khiến Apple xem xét điều mà những người trong chuỗi cung ứng gọi là "phương án ít tệ nhất": Tăng giá dòng iPhone 17 để giữ lợi nhuận, đồng thời tìm lý do khác ngoài thuế quan để giải thích động thái này. Hiện chưa xác định rõ những tính năng mới nào trên dòng iPhone 17 có thể được Apple đưa ra để biện minh cho việc tăng giá.
Apple thường giới thiệu dòng iPhone mới vào tháng 9. Các mẫu iPhone 16 có giá khởi điểm từ 799 USD (mẫu cơ bản) đến từ 1.199 USD trở lên (với phiên bản Pro Max).
Dòng iPhone 17 sẽ có một số thay đổi về thiết kế và tính năng, gồm cả mẫu iPhone 17 Air siêu mỏng thay thế cho iPhone 16 Plus - đang được bán với giá 899 USD tại Mỹ.