Ninh Bình: Ưu tiên thu hút đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm
Trong những năm tới đây, tỉnh Ninh Bình sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, chủ lực như: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, văn hóa – xã hội và hạ tầng, đồng thời thu hút đầu tư các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, trong năm 2024 và những năm tiếp theo định hướng xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ theo ngành, lĩnh vực và thu hút theo đối tác đầu tư. Cụ thể, đối với lĩnh vực công nghiệp: Thu hút dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh, năng lượng xanh có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu; ưu tiên phát triển dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh Ninh Bình và khu vực: dự án công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, công nghiệp điện tử…
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Thu hút dự án sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số nhằm kết nối giữa sản xuất, chế biến và thị trường; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và kết nối với chuỗi cung ứng sản phẩm quốc gia và toàn cầu; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc nông sản; nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản, OCOP gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa cộng đồng;
Phát triển sản xuất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại...; hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Thu hút các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ các khu du lịch quốc gia (Tràng An, Kênh Gà -Vân Trình), các khu du lịch cấp tỉnh (Cúc Phương - hồ Đồng Chương, Vân Long, hồ Yên Thắng - Đồng Thái, khu du lịch ven biển Kim Sơn và Cồn Nổi) với các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao (chủ yếu là khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp 4-5 sao, các phương tiện vận chuyển chuyên dùng, các hình thức và phương tiện vui chơi giải trí hiện đại, các dịch vụ bổ sung…); đầu tư cho các ngành dịch vụ có liên quan đến tổ chức hoạt động du lịch (sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ; trung tâm thương mại; trung tâm hội chợ triển lãm, chợ đêm; trung tâm dịch vụ logistics…).
Đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội: Thu hút đầu tư khôi phục các lễ hội, làng nghề và các giá trị văn hóa truyền thống; các dự án làng nghề, tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với văn hóa đặc trưng của địa phương như thêu ren, cói, gốm sứ...; các dự án xây dựng trung tâm, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao; giáo dục mầm non, trường liên cấp ngoài công lập chất lượng cao; các dự án đào tạo đa ngành, nghề gắn với tiếp nhận và sử dụng lao động đa dạng, phù hợp nhiều lứa tuổi; dự án bệnh viện tư nhân đạt chuẩn; dự án sản xuất dược phẩm, thuốc chữa bệnh; sản xuất trang thiết bị y tế
Đối với lĩnh vực hạ tầng: Thu hút các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự án xây dựng khu đô thị; khu nhà ở xã hội; dự án hạ tầng logistics.
Định hướng thu hút theo đối tác đầu tư: Chủ động tiếp cận, vận động cá nhân có ảnh hưởng lớn, nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, công ty tư vấn hàng đầu, quỹ đầu tư và cá nhân có tầm ảnh hưởng để thu hút các tập đoàn lớn để có các dự án có chất lượng. Mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư các đối tác có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng. Lựa chọn ưu tiên những ngành, lĩnh vực dự án mà Việt Nam có lợi thế về chính sách, biện pháp hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP.... Đồng thời, tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…)
Tính đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh Ninh Bình đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 14 dự án, tăng 3 dự án so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký là 505,1 tỷ đồng, giảm 57,8% so với cùng kỳ; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 33 dự án, tăng 3 lượt dự án so với cùng kỳ năm 2022 với tổng vốn đăng ký (gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm) là 1.154,5 tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ.