Ninh Bình và thành quả từ tư duy phát triển hài hòa, bền vững-Bài 5: Tầm nhìn và những vấn đề đặt ra (Tiếp theo và hết)
Phát huy các kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ 2020-2025, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng, đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn phát triển mới.
Du lịch là mũi nhọn, công nghiệp là động lực tăng trưởng
Nói về những định hướng phát triển của Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, đến năm 2030, Ninh Bình phấn đấu trở thành tỉnh khá của Đồng bằng sông Hồng. "Có người thắc mắc, hiện nay Ninh Bình đã là tỉnh khá theo tiêu chí chung của cả nước, tại sao lại phấn đấu trở thành tỉnh khá của Đồng bằng sông Hồng? Ấy là vì tiêu chí của Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước. Phấn đấu đứng vị trí thứ 4, thứ 5 của Đồng bằng sông Hồng là không hề dễ", đồng chí Phạm Quang Ngọc giải thích. Để đạt mục tiêu ấy thì định hướng của Ninh Bình vẫn là phát triển bền vững trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Ninh Bình chọn tốc độ tăng trưởng trung bình khá là 8,5%/năm.
Theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Ninh Bình xác định thúc đẩy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. "Khi đã xác định lấy du lịch là mũi nhọn thì quy hoạch công nghiệp phải phụ thuộc vào quy hoạch du lịch. Tuy tỉnh vẫn xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, tăng thu ngân sách và thu nhập cho người dân, thế nhưng đối với công nghiệp khai khoáng như sản xuất gạch, vôi, xi măng thì không thu hút, không mở rộng. Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là phải có giá trị gia tăng tốt, thu ngân sách tốt, sử dụng lao động vừa phải, không phá hủy tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Tỉnh chủ yếu tập trung vào phát triển công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường", đồng chí Phạm Quang Ngọc phân tích.
Hạ tầng giao thông đi trước
Những đổi thay của Ninh Bình về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là điều có thể cảm nhận rõ. Theo đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo tỉnh xác định kết cấu hạ tầng giao thông là khâu thiết yếu trong kết cấu hạ tầng, phải đi trước một bước, tạo động lực tăng trưởng cho các ngành kinh tế.
Từ năm 2020 đến nay, hạ tầng giao thông của tỉnh Ninh Bình đã có sự phát triển mạnh mẽ, các chỉ tiêu quy hoạch về kết cấu hạ tầng cơ bản đạt được. Về đường bộ, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 3.900km gồm 8 tuyến quốc lộ, 19 đường tỉnh và các đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường chuyên dùng, đường đê. Đáng chú ý, tỷ lệ đường giao thông của tỉnh đạt 2,57km/km2, bình quân 3,56km/1.000 dân, cao hơn gấp đôi so với mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng. 100% xã trên địa bàn đã có đường ô tô đến trung tâm xã; đa phần thôn, xóm, bản, làng cũng có đường ô tô.
Tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn nối tiếp với cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình giúp rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Ninh Bình chỉ còn hơn một giờ. Đồng thời, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 giúp việc kết nối Ninh Bình với các tỉnh miền Trung tốt hơn. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai một số tuyến đường bộ huyết mạch như dự án đường Đông-Tây giai đoạn 1 đoạn Nho Quan đến Tam Điệp, chiều dài gần 23km, 4 làn xe; dự án đường bộ ven biển dài 11,2km qua địa phận tỉnh; đường vào khu du lịch Kênh Gà-Vân Trình dài gần 6km; cầu vượt sông Vân và đường dẫn... Về đường sắt, tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài 21,6km. Từ năm 2020 đến nay, tuyến đường sắt này đã được nâng cấp, xây dựng mới cầu vượt sông, cải tạo một số vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, từng bước nâng cao năng lực khai thác.
Bên cạnh giao thông đường bộ đóng vai trò chủ đạo, giao thông đường thủy ngày càng được chú trọng và giữ vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa, khai thác du lịch. Tỉnh Ninh Bình có 16 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài gần 300km. Tỉnh cũng tiếp nhận thêm hai tuyến sông về địa phương quản lý là sông Hoàng Long và sông Vạc. Có thể nói, các tuyến sông, hệ thống kênh, vùng ngập nước đóng vai trò ngày càng quan trọng về thúc đẩy kinh tế-xã hội, đẩy mạnh du lịch đường thủy cùng với các bến phà, đò ngang phục vụ điểm du lịch như Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Vân Long... từ đó, tạo nên mạng lưới giao thông linh hoạt, đa dạng.
Tỉnh có hai hướng chiến lược phát triển giao thông theo trục Bắc-Nam và Đông-Tây. Trong đó, tuyến đường Đông-Tây theo dự tính sẽ kéo dài khoảng 56km đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây đến cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi của huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, sẽ mở ra không gian lớn cho phát triển. Tuyến đường này kết nối với các tuyến quốc lộ, hứa hẹn đánh thức tiềm năng của vùng đất phía Tây tỉnh Ninh Bình, không chỉ là nơi có cảnh quan đẹp, có thể đẩy mạnh dịch vụ, du lịch mà còn nhiều dư địa thu hút đầu tư hạ tầng, khu, cụm công nghiệp.
Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
Để thực hiện được các định hướng phát triển, khai thác tốt tiềm năng địa phương thì năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu đặc biệt quan trọng, quyết định thắng lợi. Thời gian qua, Ninh Bình đã tiến hành đồng bộ, quyết liệt, xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy gắn với trách nhiệm người đứng đầu và cấp ủy viên từng cấp với tư duy đổi mới, sát yêu cầu thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình, tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng đến năm 2030. Tỉnh cũng có chương trình riêng về quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng cán bộ. "Luân chuyển là công tác rất quan trọng, khi xây dựng quy hoạch xong phải có kế hoạch luân chuyển để cán bộ rèn giũa qua thực tiễn. Khó khăn của Ninh Bình là địa bàn nhỏ, đơn vị hành chính ít nên dư địa luân chuyển còn hạn chế so với một số địa phương khác. Khắc phục khó khăn đó, tỉnh lựa chọn cán bộ trẻ có năng lực, triển vọng, luân chuyển làm cấp phó để đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ cấp trưởng luân chuyển để tạo nguồn cán bộ chủ chốt. Thực tế qua luân chuyển, chất lượng cán bộ về năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm được nâng lên rõ rệt", đồng chí Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.
Cùng với ở cấp tỉnh, các cấp từ huyện đến xã cũng thực hiện luân chuyển cán bộ, trong đó có luân chuyển từ huyện xuống xã và giữa các địa phương cấp xã. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Bí thư Huyện ủy Yên Mô, quán triệt chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương, tại các xã, thị trấn của huyện đều có cán bộ luân chuyển. Một số tiêu chí đối với cán bộ được huyện Yên Mô áp dụng cao hơn so với tiêu chí chung của tỉnh. Cùng với đó, ưu tiên cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, chính quy, quá trình công tác đánh giá thể hiện tinh thần cầu thị, cầu tiến.
Đánh giá cán bộ được xem là công việc khó khăn, bởi bệnh thành tích, nể nang. Kinh nghiệm từ tỉnh Ninh Bình cho thấy cần cụ thể hóa, lượng hóa các tiêu chí để khâu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được chính xác, khách quan, minh bạch. Tỉnh xây dựng các nội dung theo thang điểm cụ thể, trên cơ sở đó mỗi cá nhân rà soát nhiệm vụ của mình với mức độ hoàn thành để tự chấm điểm. Cấp ủy căn cứ điểm tự chấm và ý kiến của tập thể để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Làm tốt khâu đánh giá cán bộ là yếu tố quan trọng để tạo động lực phấn đấu cho cá nhân và tập thể. Đây cũng là cơ sở cho việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đồng thời, có căn cứ để điều chuyển, thay thế những người giữ vị trí là mắt xích trọng yếu trong tổ chức, bộ máy nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Từ thực tiễn của tỉnh Ninh Bình cho thấy, những công việc khó như: Giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp đều được thực hiện tốt trong thời gian qua. Điều này thể hiện việc cấp ủy, chính quyền các cấp và từng cá nhân đã phát huy được năng lực, tinh thần trách nhiệm.
Những thách thức phía trước
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng trước mắt Ninh Bình còn không ít thách thức trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Do đó, muốn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP là 8,5% của cả nhiệm kỳ thì các năm tiếp theo, Ninh Bình phải tăng tốc hơn nữa. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước nói chung gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thị trường thấp. Ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cho biết, do nhu cầu thị trường thấp nên hàng tồn kho của Công ty còn khá lớn. Trong khi đó, thời gian qua, Hyundai Thành Công Việt Nam chiếm phần lớn trong nguồn thu ngân sách của tỉnh Ninh Bình. Do đó, để không bị sụt giảm nguồn thu ngân sách thì tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, thu hút thêm nhà đầu tư, để có thêm nguồn lực phát triển mới.
Sau năm 2022 đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước (đạt 96,7%) thì hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công tại Ninh Bình cũng đang gặp thách thức, đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định nếu các nguồn lực kinh tế suy giảm. Đồng thời, khi nguồn thu bị ảnh hưởng thì tỉnh cần hết sức kiên định, không vì muốn thu hút thêm đầu tư để rồi lại chấp nhận những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai khoáng, công nghệ thấp, gây rủi ro cho môi trường... Tin chắc rằng, những vấn đề nêu trên đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nhìn ra và sẽ có những giải pháp hiệu quả.
Như vậy, bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ và triển khai quyết liệt, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu tương đối toàn diện; khẳng định sự đúng đắn của Tỉnh ủy trong định hướng phát triển hài hòa, bền vững. Những kết quả quan trọng này tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ, qua đó đưa Ninh Bình sớm đạt mục tiêu trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Hồng.