'Ninh Bình xây sân bay để ưu tiên người có tiền chăng?'
Các chuyên gia cho rằng, xây sân bay ở Ninh Bình là không cần thiết và băn khoăn, sân bay ở Ninh Bình sẽ dành cho mọi người, hay là ưu tiên những người có tiền?
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc vừa có văn bản gửi bộ GTVT đề nghị bổ sung cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay 2021 - 2030, định hướng đến 2050.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, vị trí sân bay có thể tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo sở GTVT và các ngành, địa phương liên quan phối hợp với tư vấn xác định vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch.
Cơ sở đưa ra đề xuất bổ sung sân bay tại Ninh Bình, theo UBND tỉnh, do Ninh Bình là tỉnh cực Nam vùng đồng bằng Bắc bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên như cố đô Hoa Lư, danh thắng Tràng An. Trong khi đó, hiện nay, các khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận: “Tôi không đồng tình vấn đề này. Trước tiên về việc mở sân bay, chúng ta cần phải có một quy định dài hạn, hợp lý và tối ưu về mạng lưới sân bay do hiện nay ở nước ta mạng lưới sân bay đã dầy đặc.
Cụ thể, ngoài phía Bắc chúng ta có sân bay Nội Bài; sân bay Vân Đồn... Miền Trung ta có sân bay Vinh; sân bay Phú Bài… khoảng các của các sân bay chỉ từ 200 - 300km. Về việc này, đã có rất nhiều chuyên gia ban luận, khoảng cách từ 400 -500Km có 1 sân bay là hợp lý nhất vì nó tương ứng với cự ly bay hợp lý”.
Theo đó, vị chuyên gia đưa ra ví dụ: Cự ly hợp lý của ô tô ở Việt Nam là từ 150 -200km; tàu hỏa là 200km trở lên; còn máy bay là 400- 500km trở lên. Quy luật đã đưa ra rõ ràng như vậy, tuy nhiên ở nước ta vẫn cứ ào ào xin mở sân bay mặc dù cự ly bay không đúng với quy định. “Do đó, tôi không đồng tình với đề xuất xin sân bay khi đất nước còn đang nghèo” - chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.
Vị chuyên gia còn cho biết thêm, dự tính chi phí xây dựng 1 sân bay ít nhất phải mất khoảng 2.000 tỷ đồng trở lên, vì sân bay là 1 trong những hạ tầng đắt nhất trong các hệ thống hạ tầng ở Việt Nam. Tại sao chúng ta lại phải xây dựng tràn lan? Liệu rằng sân bay ở Ninh Bình sẽ dành cho mọi người có nhu cầu sử dụng, hay là sân bay ưu tiên cho những người có tiền?
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, thay vì việc đề xuất sân bay tại sao các địa phương không đề xuất những dự án hạ tầng có thể phục vụ cho đại đa số người dân có nhu cầu như: Mở rộng đường, giảm các khúc cua, hạ độ dốc của đường… Chi phí phải bỏ ra cho những dự án này chỉ mất từ 1 – 2/3 chi phí xây dựng một hạ tầng sân bay hiện nay.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Đinh Thị Thanh Bình - Chuyên gia về giao thông đô thị, Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: “Ở góc độ của một tỉnh phát triển du lịch, ngành du lịch chiếm vai trò quan trọng mà sân bay phục vụ với mục đích duy trì cho việc phát triển du lịch thì việc xây dựng sân bay là có thể. Tuy nhiên, cần phải xét việc sân bay đó có đủ sức hấp dẫn thu hút khách để bù vào phần chi phí bỏ ra và chi phí vận hành hay không".
Bàn về vấn đề ồ ạt đề xuất xây sân bay, chuyên gia hàng không PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cũng bày tỏ, ông rất lấy làm lạ khi các tỉnh ồ ạt đầu tư hoặc đề xuất xây dựng sân bay, nơi có sân bay nội địa thì lại muốn mở rộng nâng cấp thành sân bay quốc tế. Về mặt nguyên tắc, khi lập dự án phải có bước thẩm định dự án đầu tư, trong đó bài toán kinh tế và lợi ích xã hội phải được tính toán cụ thể. Giống như đầu tư một nhà máy, dù có đem lại hiệu quả kinh tế mà gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại đến các mặt của đời sống xã hội thì cũng không nên làm. Nhiều tỉnh đã xây sân bay nhưng các năm qua phải bù lỗ liên tục. Theo PGS.TS Tống, là thể hiện tư duy quan liêu bao cấp như thời kinh tế kế hoạch tập trung.
Ông phân tích thêm: “Tôi đến sân bay Buôn Ma Thuột, thấy lác đác vài chuyến. Lẽ ra ở đây chỉ cần đầu tư quy mô nhỏ, đường băng ngắn mà không cần đầu tư ồ ạt, hoành tráng rồi để trống, bù lỗ. Tôi cho rằng kế hoạch xây dựng các sân bay ở các tỉnh hiện nay cũng chưa cần thiết mà nên dùng số tiền đó để đầu tư phát triển đường bộ thì nhiều phương tiện được lợi, từ người đi bộ đến xe máy, xe đạp, xe tải...”.