Ninh Giang xây dựng chính quyền số vì dân
Hết năm 2022, chỉ số về xây dựng chính quyền điện tử của huyện Ninh Giang đã tăng 3 bậc, giúp địa phương tăng thứ hạng chỉ số cải cách hành chính.
Chỉ số thành phần về xây dựng chính quyền điện tử năm 2022 tăng 3 bậc từ thứ 9 lên thứ 6 trong 12 địa phương của tỉnh, qua đó góp phần giúp Ninh Giang thoát khỏi vị trí cuối bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính.
Từ người dân
Chỉ sau vài phút thao tác thông qua chiếc máy tính kết nối internet tại nhà riêng, chị Lê Thị Nga (ở thôn Tiêu Tương, xã Hồng Dụ, Ninh Giang) đã thực hiện xong các bước để chứng thực điện tử một số giấy tờ giúp người thân trong gia đình. Đây là điều chúng tôi đã mục sở thị sáng 20.3. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến thành thạo là điều mà chỉ ít tháng trước, chính bản thân chị Nga cũng chưa nghĩ đến.
Chị Nga là một trong những người đầu tiên được thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng thôn hướng dẫn đăng ký tài khoản và thực hiện các bước để giao dịch thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. “Lúc ấy là đầu tháng 10.2022. Những ngày đầu thao tác chậm lắm, thậm chí còn quên các bước thực hiện, nhưng sau nhiều lần được hướng dẫn, giờ đây tôi đã có thể tự thực hiện cho bản thân và người thân trong gia đình. Thực hiện thủ tục hành chính trên mạng mới thấy thực sự tiện lợi. Chỉ cần ngồi nhà cũng có thể làm nhiều thứ mà trước đây phải đi đi lại lại dăm ba lần mới xong”, chị Nga chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Quế (ở thôn Dậu Trì, cùng xã Hồng Dụ) cũng là một trong những người đầu tiên được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến hồi đầu tháng 10.2022. Khác chị Nga, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, bà Quế hiện không chỉ thực hiện dịch vụ công cho mình mà còn hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong thôn tự thực hiện. “Người này cầm tay chỉ việc cho người kia thông qua từng việc cụ thể như chứng thực giấy tờ, đăng ký khai sinh, khai tử. Cứ như vậy, người dân trong thôn từng bước thành thạo các bước cơ bản để sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong 7 thôn của xã, thôn chúng tôi là 1 trong 4 thôn vượt chỉ tiêu về tài khoản dịch vụ công”, bà Quế nói.
Đây là 2 trong số 3.000 người dân được các tổ công nghệ số cộng đồng của xã Hồng Dụ hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký tài khoản và giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong 20 xã, thị trấn của Ninh Giang, Hồng Dụ cũng là xã đạt tỷ lệ đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến cao nhất với 26,2%.
Theo ông Nguyễn Đức Tráng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ, hạn chế trong tiếp cận công nghệ không phải cái khó lớn nhất, mà ở chỗ cần thay đổi tư duy của người dân khi sử dụng các dịch vụ công trên môi trường mạng. “Bên cạnh 7 tổ công nghệ của 7 thôn, chúng tôi đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng thứ 8 với các thành viên là đại diện UBND xã, qua đó tối ưu hóa công tác hỗ trợ người dân. Chỉ khi người dân nhận thấy lợi ích đối với bản thân thì việc xây dựng chính quyền số mới hiệu quả”, ông Tráng cho biết.
Thực hiện lời hứa về cải cách hành chính
Năm 2021, Ninh Giang là địa phương đứng cuối bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính, trong đó chỉ số thành phần về xây dựng chính quyền điện tử xếp thứ 9 trong tổng số 12 địa phương của tỉnh. Quyết tâm thoát khỏi vị trí “đội sổ”, Ninh Giang đã “hứa” với tỉnh trong năm 2022 sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng thứ hạng chỉ số cải cách hành chính lên 3 bậc trong khối địa phương.
“Và Ninh Giang đã thực hiện được lời hứa đó. Chỉ số về xây dựng chính quyền điện tử của huyện tăng 3 bậc, lên thứ 6 trong tổng số 12. Qua đó giúp huyện tăng 3 bậc về chỉ số cải cách hành chính, ở vị trí thứ 9 trong tổng số 12 địa phương trong tỉnh”, ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Hiện nay, Ninh Giang có 239 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 139 thủ tục cung cấp trực tuyến mức độ 4. Trong năm 2022, toàn huyện đã tiếp nhận và xử lý hơn 97.000 hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến. Tỷ lệ nộp hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt hơn 57%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, 100% các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện; 100% các UBND các xã, thị trấn và cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức… được cấp tài khoản chứng thư số và sử dụng chữ ký số; 100% số văn bản đi, đến của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn được ký số và xử lý trên môi trường mạng.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, huyện có 1 máy chủ, 120 máy trạm và các thiết bị tin học khác. Trên 90% số cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính. Đặc biệt, Ninh Giang đã huy động hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa, qua đó có thêm nguồn lực trang bị máy tính cho hầu hết thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng.
Theo ông Vạn, chính quyền số đã giúp nâng cao hiệu quả trong thực thi công vụ. Từ đó góp phần thực hiện đúng phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”. “Điều quan trọng nhất là chính quyền số xuất phát từ người dân, phục vụ người dân. Mặc dù kết quả của Ninh Giang trong xây dựng chính quyền số còn khiêm tốn, song đã mở ra hướng đi mới, từng bước giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền lợi khi Hải Dương nói chung, Ninh Giang nói riêng thực hiện chuyển đổi số”, ông Vạn nói thêm.
Năm 2023, Ninh Giang phấn đấu tăng từ 1-2 bậc về chỉ số xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó giúp huyện duy trì hoặc tăng bậc về chỉ số cải cách hành chính khối các địa phương năm nay.