Ninh Hòa: Giữ gìn văn hóa dân tộc thiểu số
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch, những năm qua, thị xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, dành nhiều sự quan tâm đến việc tập luyện, trình diễn, truyền dạy nhạc cụ chiêng núm, chiêng bằng cho đồng bào Êđê sinh sống trên địa bàn.
Nối dài tiếng chiêng núm, chiêng bằng
UBND thị xã Ninh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổ chức lớp tập huấn truyền dạy cách sử dụng và trình diễn nhạc cụ mã la, chiêng cho đồng bào DTTS. Cụ thể, từ tháng 8 đến giữa tháng 9, lớp truyền dạy sẽ được tổ chức tại xã Ninh Tây, với 40 già làng, trưởng buôn, thành viên đội văn nghệ các buôn, nghệ nhân dân gian, công chức làm công tác văn hóa… tham gia. Những người theo học sẽ được các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú chỉ dẫn những cách thức, kỹ thuật sử dụng nhạc cụ chiêng núm, chiêng bằng của đồng bào Êđê.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, việc mở lớp truyền dạy sử dụng chiêng núm, chiêng bằng của đồng bào DTTS nhằm đưa các loại nhạc cụ này phổ biến hơn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn xã Ninh Tây. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Từ đó, từng bước xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng, gắn với phát triển du lịch địa phương, thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến thị xã.
Sau 1 tháng tham gia lớp học, những người được truyền dạy có thể sử dụng, biểu diễn được chiêng núm, chiêng bằng để phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng, các lễ hội tín ngưỡng tại cộng đồng. Mỗi người học sẽ là hạt nhân góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương mình cư trú. “Xã Ninh Tây có 7 thôn, trong đó 4 thôn có đông đồng bào Êđê sinh sống là Buôn Lác, Buôn Sim, Buôn Tương, Buôn Đung. Hàng năm, ở những buôn làng này vẫn tổ chức các hoạt động trình diễn chiêng núm, chiêng bằng phục vụ nhân dân. Đặc biệt, vào những ngày đầu năm mới, các buôn thường tổ chức lễ cúng bến nước kéo dài từ 1 đến 3 ngày và tiếng chiêng cứ thế được hòa tấu ngân vang trong mỗi buôn làng. Việc thị xã mở lớp truyền dạy đánh chiêng ở xã là cơ hội để địa phương có thêm nhiều người biết sử dụng nhạc cụ của cha ông. Từ đó, góp phần nối dài tiếng chiêng núm, chiêng bằng trong đời sống người Êđê hôm nay và mai sau”, ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây cho biết.
Bảo tồn, phát huy một cách toàn diện
Tháng 12-2022, thị xã Ninh Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, địa phương đặt ra 14 nhiệm vụ cụ thể nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS trên địa bàn thị xã. Trong đó, tập trung khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ cúng bến nước tại xã Ninh Tây, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; triển khai chính sách và hỗ trợ nghệ nhân người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể, kỹ năng phục vụ khách du lịch; xây dựng 1 mô hình xây dựng đời sống văn hóa các DTTS gắn với tiềm năng, phục hồi, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống Êđê tại xã Ninh Tây. Cùng với đó, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian và hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; phối hợp tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; phối hợp hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS...
Qua 6 tháng triển khai kế hoạch trên, thị xã Ninh Hòa đã thực hiện hỗ trợ trang thiết bị nhà văn hóa các thôn của xã Ninh Tân và Ninh Tây. Trong đó, thị xã đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn: Buôn Lác, Buôn Đung, Sông Búng, Buôn Sim, Buôn Tương, Suối Mít (xã Ninh Tây) và thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân). Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã đã có văn bản hướng dẫn 2 xã Ninh Tây và Ninh Tân tổ chức thành lập các câu lạc bộ văn nghệ tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi trong năm 2023; lắp đặt trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho nhà sinh hoạt cộng đồng; đầu tư hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao của 7 thôn nói trên…
Ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết: “Giai đoạn 2024 - 2025, thị xã sẽ tiếp tục bám sát hướng dẫn của các sở, ngành liên quan, xác định từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể để xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo triển khai đạt hiệu quả dự án. Trong quá trình đó, địa phương mong muốn Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm, tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã phụ trách tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ này”.
GIANG ĐÌNH