Ninh Thuận đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao
Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác với Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao.
Chiều 16/8, tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao trên các lĩnh vực mà Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có thể đáp ứng.
Tại buổi lễ, tỉnh Ninh Thuận và Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế của tỉnh; khả năng, thế mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường, đồng thời, nêu bật những kết quả đạt được giữa địa phương và nhà trường hợp tác trong những năm qua và thông qua các nội dung thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ của mỗi bên.
Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, hiện toàn trường có khoảng 800 giảng viên, viên chức, người lao động, trong đó, có 5 giáo sư, 31 phó giáo sư, 119 tiến sĩ và 395 thạc sĩ, đào tạo 60 ngành bậc đại học, 16 chuyên ngành thạc sĩ và 12 chuyên ngành tiến sĩ.
Từ năm 2010 đến nay, Phân hiệu tại Ninh Thuận đã đào tạo giáo viên, kỹ sư, cử nhân hệ vừa học vừa làm và cao học cho 8.339 sinh viên, học viên của tỉnh Ninh Thuận theo học các ngành, gồm: thú y, công nghệ thông tin, nông học, nuôi trồng thủy sản, quản lý môi trường….
PGS,TS Đỗ Thế Duy cho biết: “Cùng với việc giảng dạy, Trường còn tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng. Thông qua chiến dịch thanh niên tình nguyện hè từ năm 2010-2024, hơn 100 viên chức và gần 3.000 sinh viên đã đóng góp hơn 300 ngày công trong các hoạt động tình nguyện xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống dịch, bệnh…”
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, cho biết: Hai bên cùng tạo ra cơ chế phối hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi bên; tùy theo khả năng, điều kiện, nguồn lực và nhu cầu để hợp tác thực hiện các chương trình, hoạt động cụ thể; hỗ trợ và cam kết thực hiện đúng các nội dung đã ký kết, gồm:
Khai thác hợp lý tiềm năng của mỗi bên, cùng giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác các lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận và phát triển Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện của tỉnh Ninh Thuận trên các lĩnh vực; trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông thôn, lâm nghiệp trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu và hỗ trợ liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp.
Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, liên kết với các viện, trường đại học có uy tín trên thế giới để đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý của tỉnh Ninh Thuận.
Hai bên cùng hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển Phân hiệu Ninh Thuận khi đủ điều kiện sẽ chuyển thành Trường đại học Ninh Thuận theo lộ trình và theo khung pháp lý, chức năng và quyền hạn của Trường do Bộ Giáo Dục và Đào tạo quy định.
Đồng hành cùng tỉnh Ninh Thuận và hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để phát triển kinh tế biển và các lĩnh vực khác.
Trong khuôn khổ hợp tác, giai đoạn 2025-2030, Trường đại học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh đề xuất 4 phương hướng hoạt động, gồm: Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; hoạt động khoa học công nghệ và phục vụ cộng đồng; hoạt động và hợp tác với các đơn vị trong nước và ngoài nước; hướng tới hình thành trường đại học Ninh Thuận.
Tỉnh Ninh Thuận tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường tiếp cận khảo sát, tìm hiểu các vấn đề thực tiễn trên địa bàn tỉnh để xây dựng các đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực: Tài nguyên môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ chế biến sau thu hoạch… và các lĩnh vực trọng điểm khác của tỉnh.