Ninh Thuận đẩy mạnh kinh tế biển
Tháng 4-2015, tuyến đường giao thông ven biển dài hơn 106 km từ xã Công Hải, huyện Thuận Bắc đến xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có tổng mức đầu tư hơn 4.654 tỷ đồng, được khánh thành. Đến nay, hàng chục nghìn héc-ta đất hoang hóa, nhiễm mặn… dọc theo tuyến đường đã trở thành những vùng đất tiềm năng, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, du lịch, cảng biển. Những dự án này đưa vào khai thác đã đóng góp vào ngân sách địa phương hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Ninh Thuận đã vạch ra hai động lực tăng trưởng mới, đó là kinh tế biển và kinh tế đô thị, nhằm hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ trong tương lai gần.
Tạo động lực tăng trưởng mới
Bí thư Huyện ủy Thuận Nam Châu Thanh Hải cho biết, để thực hiện mục tiêu trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía nam của Ninh Thuận, tỉnh và huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảng biển,… đồng bộ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thí dụ như: Dự án Đường bộ cao tốc bắc-nam, đoạn qua địa bàn huyện; Cảng biển tổng hợp Cà Ná do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1, tiếp nhận hai tàu có trọng tải hơn 50.000 tấn cập cảng, bốc xếp khoảng 100.000 tấn vật liệu xây dựng, xuất khẩu sang Singapore. Hiện, chủ đầu tư đang xây dựng giai đoạn 2 để có thể đón tàu hàng có trọng tải đến 300.000 DWT, đồng thời trở thành trung tâm nghề cá và là nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền của tỉnh và khu vực. Cùng với đó, 20 dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn huyện với tổng công suất 1.512 MW đã vận hành thương mại; Khu công nghiệp Phước Nam đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, thu hút 14 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 572 tỷ đồng.
Vùng biển Ninh Thuận là một trong 18 vùng nước trồi của thế giới và là ngư trường trọng điểm của cả nước, cho nên nghề khai thác hải sản ngày càng phát triển. Toàn tỉnh có 2.405 chiếc tàu cá chiều dài từ 6m trở lên, trong đó, có 862 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên, đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ, giúp cho ngư dân tăng hiệu quả khai thác và giảm đáng kể chi phí sản xuất. Trong năm 2024, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn tỉnh ước đạt hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó, thủy sản đạt hơn 8.160 tỷ đồng, sản xuất hơn 45.100 triệu con tôm giống, sản lượng nuôi thủy hải sản thương phẩm đạt hơn 12.800 tấn ốc hương, tôm hùm, cá các loại. Ngoài ra, địa phương còn có nghề làm muối truyền thống với diện tích 3.059 ha, sản lượng bình quân hơn 450.000 tấn/năm, đem lại nguồn lợi lớn cho ngân sách địa phương.
Ngư dân Huỳnh Trọng Nhơn, chủ tàu cá NT 91411 TS, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, hành nghề câu khơi dài ngày tại khu vực đảo Đá Lát, thuộc quần đảo Trường Sa cho biết: Nhờ lắp đặt các loại máy dò ngang, định vị hiện đại…, cho nên hoạt động rất thuận lợi. Mỗi tháng, tàu đi hai chuyến, mỗi chuyến khai thác hơn 1,5 tấn cá sộp, mú, ngừ,… có giá trị kinh tế cao, thu nhập sau chi phí sản xuất từ 70-100 triệu đồng/chuyến, tạo động lực để vươn khơi, bám biển lâu dài.
Với lợi thế có bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử đẹp, môi trường biển trong lành, khí hậu ấm quanh năm, cho nên hoạt động du lịch biển tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phát triển rất nhanh. Đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn bốn sao, khu nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp quốc tế với đầy đủ tiện ích, nâng tổng số phòng phục vụ du khách lưu trú lên hơn 4.700 phòng. Các đơn vị kinh doanh du lịch đều thực hiện đúng giá niêm yết, chung tay xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Khi vịnh Vĩnh Hy xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải được xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia và Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt du khách đến thưởng ngoạn. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa cho biết, chất lượng hoạt động du lịch, dịch vụ được cải thiện nhiều, nhất là công tác bảo đảm an toàn cho du khách được chú trọng, cho nên du khách rất hài lòng khi đến Ninh Thuận. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút 3,2 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ; đạt 100,1% kế hoạch năm 2024, tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.662 tỷ đồng.
Định hình vị thế kết nối vùng
Ninh Thuận có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền ba vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thuận lợi để mở rộng giao thương và kết nối hợp tác đầu tư với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước. Trong chín tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 20.662 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.762 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.540 tỷ đồng.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Ninh Thuận xác định chọn 5 cụm ngành đột phá gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Mục tiêu đến năm 2025, đủ điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt từ 15-16%/năm, chiếm từ 41-42% GRDP; thu nhập bình quân đầu người khu vực ven biển gấp 1,2 lần trở lên so với bình quân toàn tỉnh. Đến năm 2030, lao động làm việc trong các ngành kinh tế biển khoảng 60-65 nghìn người, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển chiếm 45-46% GRDP, mức thu nhập bình quân của tỉnh thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
Theo đó, Ninh Thuận tập trung xây dựng ba hành lang chính gồm: Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục đông-tây tạo kết nối vùng, liên vùng. Đồng thời, tỉnh xác định khu vực kinh tế trọng điểm phía nam (huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước) là cực tăng trưởng mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch… Đến nay, tỉnh đã thu hút 42 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tập trung vào các lĩnh vực như: Năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... với tổng vốn đăng ký 1,143 tỷ USD, trong đó, 34 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện hơn 850 triệu USD, tám dự án đang triển khai..., đưa Ninh Thuận vươn lên nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước trong năm 2024.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ: Qua hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh đã công bố các dự án thuộc nhóm ngành kinh tế biển gồm: 10 dự án thương mại-dịch vụ, du lịch; 14 dự án xây dựng và kinh doanh bất động sản; chín dự án năng lượng, năng lượng tái tạo; chín dự án công nghiệp chế biến và năm dự án nông nghiệp. Đặc biệt, năng lượng và năng lượng tái tạo là lĩnh vực quan trọng được tỉnh rất quan tâm trong mục tiêu phát triển kinh tế biển với mục tiêu đến năm 2030, lĩnh vực này chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh phê duyệt danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, đã cấp chủ trương đầu tư cho bảy dự án và ký kết bản ghi nhớ bảy dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng.
Ninh Thuận đang tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối...). Những nguồn điện sạch này là tiền đề để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ, hướng đến phát triển ngành công nghiệp xanh, góp phần nâng cao giá trị từ kinh tế biển, bảo đảm mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/383/166042/ninh-thuan-day-manh-kinh-te-bien