Ninh Thuận điều tiết hợp lý nguồn nước cho vụ Hè Thu 2023

Hiện tại, nguồn nước tích trữ tại các hồ chứa khá dồi dào, tuy nhiên do khí hậu đặc thù của vùng đất thường xảy ra khô hạn, nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ có thể xảy ra.

Do đó, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đề ra phương án điều tiết nước tối ưu và linh hoạt trong sản xuất để vụ Hè Thu 2023 mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Hồ Sông Cái (huyện Bác Ái) hiện có lượng nước 162,16 triệu m3, đạt 73,8% dung tích thiết kế (cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 25,1%).

Hồ Sông Cái (huyện Bác Ái) hiện có lượng nước 162,16 triệu m3, đạt 73,8% dung tích thiết kế (cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 25,1%).

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, trong vụ Hè Thu 2023 nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt khoảng 10,89 triệu m3, nước uống cho gia súc, gia cầm 2,12 triệu m3 và cấp nước cho dịch vụ - du lịch và công nghiệp là 2,51 triệu m3.

Dựa trên dự báo tình hình khí tượng thủy văn trong thời gian tới và tình hình nguồn nước hiện tại của các hồ chứa, sau khi cân đối ưu tiên nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; trong vụ hè thu công ty sẽ điều tiết cấp nước tưới cho hơn 25.661 ha (lúa 14.493,72 ha; màu 10.718,87ha; thủy sản 449 ha). Diện tích tưới dự kiến tăng 2.122 ha so với kế hoạch do bổ sung tưới tại một số hồ còn nước như Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Zôn, Bầu Ngứ, Phước Trung, Bà Râu...

Đến thời điểm hiện tại, dung tích trữ tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đang quản lý đạt 150 triệu m3, bằng 77,4% tổng dung tích thiết kế. Riêng hồ Tân Mỹ (chưa bàn giao cho tỉnh Ninh Thuận quản lý, vận hành) hiện có lượng nước 162,16 triệu m3, đạt 73,8% dung tích. Hồ thủy điện Đơn Dương (Lâm Đồng) phát điện qua nhà máy thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận hiện lượng nước còn 114,7 triệu m3, đạt 69,5% so với dung tích thiết kế.

Điều tiết nguồn nước từ hồ Sông Cái (huyện Bác Ái) dẫn về các kênh mương thủy lợi phục vụ cho sản xuất của người dân vùng hạ du.

Điều tiết nguồn nước từ hồ Sông Cái (huyện Bác Ái) dẫn về các kênh mương thủy lợi phục vụ cho sản xuất của người dân vùng hạ du.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, để việc điều tiết nước hiệu quả, công ty đã và đang triển khai đồng loạt các giải pháp như chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 điều tiết nước hồ Sông Cái hợp lý, hiệu quả, đảm bảo nguồn nước cấp cho khu tưới đập dâng Tân Mỹ và hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm, tiếp nước cho khu tưới hồ Cho Mo, hồ Thành Sơn và vùng cuối kênh Bắc, hệ thống Nha Trinh.

Song song đó, đơn vị thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, phối hợp chặt chẽ với địa phương, tổ hợp tác dùng nước (PIM) xây dựng kế hoạch điều tiết nước chi tiết, cụ thể cho từng tuyến kênh, từng xứ đồng để đảm bảo cấp nước tiết kiệm, hiệu quả.

Cánh đồng lúa tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) tươi tốt nhờ được cấp nước từ hệ thống kênh mương nội đồng đầy đủ.

Cánh đồng lúa tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) tươi tốt nhờ được cấp nước từ hệ thống kênh mương nội đồng đầy đủ.

Đối với các hệ thống đập dâng trên sông hưởng lợi trực tiếp từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, công ty sẽ tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập dâng sông Pha, Nha Trinh và Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh chính. Tiếp tục phối hợp các địa phương duy trì, củng cố các tổ hợp tác dùng nước để chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm theo phương pháp nông - lộ - phơi nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian tới sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, căn cứ vào khung lịch thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng từng vụ cụ thể theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp để tổ chức chỉ đạo sản xuất; có kế hoạch xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng nhằm mục đích rút ngắn thời gian gieo sạ để tiết kiệm nước tưới. Đồng thời, rà soát lại quy hoạch, bố trí sản xuất theo hướng giảm dần diện tích đất lúa; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, vùng gò đồi, cuối kênh sang cây trồng cạn sử dụng ít nước, cho giá trị kinh tế cao.

Căn cứ dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và hồ Đơn Dương, đến thời điểm hiện tại thì cơ bản nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm, nguồn nước còn lại sẽ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ninh-thuan-dieu-tiet-hop-ly-nguon-nuoc-cho-vu-he-thu-2023-20230404104236046.htm