Ninh Thuận khai trương thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh
UBND tỉnh Ninh Thuận và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh vừa tổ chức Lễ khai trương thí điểm Trung tâm giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh.
Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh vận hành chính thức các ứng dụng Ninh Thuận trên môi trường internet và di động, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường để tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân trên các lĩnh vực như: Trật tự đô thị, môi trường, hành chính công, an ninh trật tự, tai nạn giao thông, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền.
Đặc biệt là hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng các dịch vụ trên APP Ninh Thuận thông minh và hệ thống tổng đài 1022, hướng dẫn nhân dân, doanh nghiệp khai thác những tiện ích từ Trung tâm giám sát điều hành thông minh của tỉnh để kết nối thông tin, phản ánh ý kiến đến cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, góp phần xây dựng một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại tại Ninh Thuận.
Ông Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Thuận cho biết: “Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận đã kết nối, tích hợp với 8 hệ thống thông tin để phục vụ cho việc giám sát, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, giám sát, phát hiện, xử lý và bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh…. Đây cũng là công trình nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025".
Trung tâm giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận, thực hiện theo Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: "Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh, hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”.