Ninh Thuận: Sẵn sàng để có khu công nghiệp NetZero đầu tiên ở Việt Nam
Cùng với các chính sách của Trung ương, địa phương thì nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đã và đang đồng hành để giúp Ninh Thuận có được khu công nghiệp NetZero đầu tiên ở Việt Nam.
Công nghệ là đột phá
Trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận xác định chọn 5 cụm ngành để đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết, theo quy hoạch được lập đến năm 2030, điện gió trên đất liền ở Ninh Thuận có tiềm năng phát triển đạt hơn 1.429 MW, điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380 MW, điện gió ngoài khơi tiềm năng phát triển 21.000 MW; điện mặt trời tiềm năng phát triển khoảng 8.448 MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, đến năm 2030 phát triển 1.500 MW. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.
Trên cơ sở các chủ trương này, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành nhiều nghị quyết thể hiện sự quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo với mục tiêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, Ninh Thuận có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo với khả năng phát triển tối đa khoảng 13.000 mW điện gió và hơn 8.000 mW điện mặt trời. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với khoảng lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 6,5 m đạt 9,6 m/s. Về năng lượng mặt trời, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600 - 2.800 giờ. Tổng sản lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình 5,221 kwh/m2/năm, cao hơn mức trung bình cả nước.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải carbon thấp.
Hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch và được xác định là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tiềm năng phát triển các cụm công nghiệp NetZero
Ông Đặng Hà Anh, Trưởng nhóm vận chuyển và chế biến dầu khí, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định có mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng...
Ông Eric HU, Giám đốc giải pháp khu công nghiệp NetZero thuộc Tập đoàn Envision Energy cho biết, Envision hiện có khu công nghiệp NetZero đầu tiên trên thế giới ở Ordos (Nội Mông, Trung Quốc) kết hợp năng lượng tái tạo, di chuyển sạch và các giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ công nghiệp hóa xanh trong khu vực. Ông nhìn nhận với lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi khẳng định Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng để phát triển các cụm công nghiệp NetZero.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Envision mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương có những giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió trên bờ, ngoài khơi và có chính sách ưu đãi thuế quan đối với xuất khẩu các sản phẩm NetZero, đặc biệt là hydro xanh, ammonia để cho các công ty nước ngoài có cơ hội đầu tư phát triển ngành công nghiệp xanh tại địa phương.
Đại diện Tập đoàn IHI Corporation của Nhật Bản cũng cho biết đang tham gia rộng rãi các hoạt động về sản xuất, công nghệ, thiết bị lưu trữ hydrogen và ammonia.
Ông Yoshii Konosuke, Trưởng đại diện IHI Corporation tại Việt Nam đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần triển khai một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng cường tính hiệu quả kinh tế cho các dự án sản xuất hydrogen xanh, ammonia.
Để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ông Yoshii cũng đề nghị cần giảm bớt các rào cản đối với nhà đầu tư như xây dựng văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, xây dựng cơ chế cấp phép rõ ràng và nhất quán nhằm thiết lập cơ sở hạ tầng thiết yếu và chuỗi giá trị liên quan để thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu xanh cho các hoạt động kinh tế như sản xuất điện, công nghiệp và giao thông vận tải.
Tập đoàn Envision Group cam kết sẽ giúp tỉnh Ninh Thuận quy hoạch “Hệ sinh thái công nghiệp Netzero” để triển khai khu công nghiệp NetZero đầu tiên và trở thành trung tâm năng lượng xanh của Việt Nam.