Ninh Thuận sẽ có đề án hỗ trợ người dân khu vực dự án nhà máy điện hạt nhân
Từ khi có các thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh phục vụ dự án điện hạt nhân đến nay đã hơn 10 năm, người dân trong vùng dự án gặp khó khăn về đời sống, kinh tế, xã hội, bị hạn chế quyền sử dụng đất.
Căn cứ từ thực tế và pháp lý
Liên quan đến việc UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Thông báo số 74, ngày 13/7/2023 về việc hủy các thông báo thu hồi đất đã ban hành liên quan đến khu vực quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề cập lý do và căn cứ pháp lý.
Về lý do, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận nêu thực tế, kể từ khi có các thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh đến nay đã hơn 10 năm, người dân trong vùng dự án gặp khó khăn về đời sống, kinh tế, xã hội, bị hạn chế quyền sử dụng đất.
Người dân không được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới nhà ở; nhiều hộ gia đình phải sống chung trong một căn nhà chật chội, không đảm bảo điều kiện sống thiết yếu, nhất là công việc làm ăn, sản xuất bị ngưng trệ; không được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sống, sản xuất của người sử dụng đất trong vùng dự án.
Ngoài ra, từ khi công bố quy hoạch địa điểm 2 dự án nhà máy điện hạt nhân, các nhà đầu tư quan ngại nên việc thu hút đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận, nhất là 2 khu vực quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với khó khăn trong thu hút đầu tư đã dẫn tới nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trong vùng thực hiện dự án, theo hướng tiêu cực.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận và khu vực quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân là địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt… đã góp phần khiến cho đời sống người dân, cả về kinh tế cũng như đời sống tinh thần thêm khó khăn.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14, ngày 22/11/2016 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; để giải quyết những hạn chế nêu trên, trả lại các hộ gia đình, cá nhân được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật thì việc ban hành Thông báo hủy các Thông báo thu hồi đất là cần thiết.
Về căn cứ pháp lý, ngoài Nghị quyết số 31 được Quốc hội ban hành về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án; theo hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt thì vị trí thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 (lần lượt tại xã Phước Dinh và Vĩnh Hải) không còn quy hoạch mục đích đất năng lượng.
Ngày 1/7/2021, Tổng cục Quản lý đất đai cũng có văn bản số 1380, trong đó có đề cập “Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, giải quyết việc hủy bỏ thông báo thu hồi đất theo thẩm quyền, tránh để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.
Sẽ lập đề án hỗ trợ người dân
Mới đây, cử tri phường Kinh Dinh (TP. Phan Rang – Tháp Chàm) đã đề nghị các cấp có thẩm quyền của tỉnh Ninh Thuận có ý kiến, kiến nghị Quốc hội về ngưng Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải.
Trước kiến nghị của cử tri, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, để tháo gỡ khó khăn người dân vùng dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP23 ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.
Trong đó, Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Thuận tham mưu ban hành Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án và phát triển khu dân cư đối với vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu thực tế, tuy chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã dừng (tại Nghị quyết 31/2016/QH14), nhưng định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân và Quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 chưa được giải quyết.
Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng định hướng phát triển và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vùng dự án.
Do đó, Tỉnh ủy, UBND Ninh Thuận đã nhiều lần làm việc và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ ngành Trung ương xem xét, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư chính thức có chủ trương dừng xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân tại tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề cập, hiện nay, Thủ tướng đang giao Bộ Công thương và các Bộ ngành Trung ương xem xét giải quyết để đảm bảo lợi của người dân trong khu vực đã Quy hoạch nhà máy điện hạt nhân.
Sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về phương án xử lý quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy Điện hạt nhân và đủ các điều kiện pháp lý, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án trên và tiến hành triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mặt bằng và hỗ trợ giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt, cấp thiết của nhân dân vùng dự án.