Ninh Thuận tập trung thu hút đầu tư các dự án động lực
Tính chung đầu năm đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư cho 22 dự án tổng vốn 8.441 tỷ đồng.
Ngày 13/5, theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, tình hình kinh tế-xã hội trong 4 tháng đầu năm 2024 ổn định và có tín hiệu phát triển tích cực, các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đạt 13.806,8 tỷ đồng, tăng 13,38% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tiếp tục được tăng cường, hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng 4 tháng đạt 1.120.000 lượt khách, đạt 35% kế hoạch và tăng 9,8% so cùng kỳ.
Đặc biệt trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, tổng số du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận đạt 150.000 lượt khách, tăng 66,6% so cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt khoảng 3.000 lượt khách, tăng 50% so cùng kỳ.
Đáng chú ý, Ninh Thuận đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào cuối tháng 4. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, đến ngày 30/4, địa phương đã giải ngân 584,051 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Tính chung đầu năm đến nay, Ninh Thuận đã cấp và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư cho 22 dự án tổng vốn 8.441 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) và bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư với tổng số vốn dự kiến đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, 7 dự án nhận GCNĐKĐT có 3 dự án trong lĩnh vực sản xuất gồm dự án Nhà máy dệt nhuộm Ninh Thuận của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt 637,9 tỷ đồng; dự án Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương của Công ty CP Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương 200 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát của Công ty CP Nước giải khát nhiệt đới Sài Gòn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có 2 dự án về năng lượng là dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô 1.730 tỷ đồng; dự án Công trình phong điện Việt Nam Power số 1 của Công ty Palatial Global Inc 1.700 tỷ đồng.
Cuối cùng là 2 dự án Trung tâm thương mại Go Ninh Thuận của Công ty CP Bất động sản Việt Nhật 276,5 tỷ đồng và dự án Trường mầm non và Trường phổ thông Ischool Ninh Thuận của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển học đường Quốc Tế 235,6 tỷ đồng.
Đối với 7 dự án trao Bản ghi nhớ đăng ký đầu tư có 4 dự án năng lượng gồm dự án Nghiên cứu, phát triển hydro xanh của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam; dự án Điện gió ngoài khơi của Tập đoàn T&T; dự án Nhà máy điện gió Tri Hải của Tập đoàn BIM; dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 3 và Đầm Nại 4 của Liên doanh Công ty cổ phần TSV và Công ty TNHH The Blue Circle.
Hai dự án về lĩnh vực sản xuất là dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện gió và các sản phẩm kết cấu thép của Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng; dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối của Tập đoàn BIM.
Cuối cùng là dự án Khu công nghiệp Cà Ná của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Trung Nam Cà Ná.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ninh-thuan-tap-trung-thu-hut-dau-tu-cac-du-an-dong-luc.html