Ninh Thuận: Tập trung triển khai các nhiệm vụ để tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân

Tỉnh Ninh Thuận kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành sớm xác định lộ trình xây nhà máy điện hạt nhân và hoàn thiện các hệ thống pháp luật, các quy hoạch có liên quan để tỉnh có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 8/1, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, triển khai nhiệm vụ năm 2024 trong bối cảnh hết sức khó khăn; thách thức nhiều hơn dự báo, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã bám sát chỉ đạo của Trung ương để tranh thủ được thời cơ, khắc phục các khó khăn, thách thức, nhất là hạn hán cục bộ trên địa bàn tỉnh, thông thương cứ 10 năm tỉnh lại xảy ra hạn hán một lần. Hệ thống công trình thủy lợi mà Trung ương giúp tỉnh đầu tư trong thời gian qua cơ bản khắc phục được tình trạng hạn hán cục bộ.

Các chính sách về năng lượng đã ảnh hưởng đến phát triển các lĩnh vực trụ cột, động lực và trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá với tinh thần càng khó khăn càng quyết tâm, nỗ lực càng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội nghị - - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội nghị - - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 2024 của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Kinh tế xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng ở mức khá, trong 4 năm qua, đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, thuộc tốp đầu cả nước. Riêng năm 2024, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,74%, xếp thứ 4/14 tỉnh trong khu vực, 14/63 tỉnh, thành phố, GRDP bình quân đầu người đến cuối 2024 đạt trên 98 triệu đồng/người, thu hẹp nhanh khoảng cách với cả nước và trong vùng, đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh có thu nhập trung bình.

Thu ngân sách năm 2024 vượt 21% kế hoạch, thu hút được 1,2 tỷ USD vốn FDI thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu năm 2024. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được triển khai đạt kết quả tích cực, đến 31/12/2024, tỉnh đã giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, về chương trình mục tiêu quốc gia đạt 97%. Kết cấu hạ tầng kinh tế, công tác đối ngoại, quốc phòng an ninh... được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, trong năm 2024, tỉnh rất vinh dự đón Thủ tướng dự Hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh cũng như dự khánh thành cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và đặc biệt gần đây nhất, tháng 12/2024, tỉnh vinh dự đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Đảng bộ, động viên nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhìn nhận, tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó hăn, vướng mắc.

Một là, điểm nghẽn về phát triển các ngành kinh tế động lực, nhất là năng lượng tái tạo. Đến nay, tỉnh có 57 dự án năng lượng tái tạo, trên 3.700 MW, lớn nhất cả nước, chưa được khơi thông trong năm 2024 nên chưa tạo động lực cho phát triển toàn diện kinh tế của tỉnh.

Thứ hai, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên chưa tiếp cận được các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nên khó khăn để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối nhiệm kỳ, năm tăng tốc, bứt phá về đích để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ (tại Công điện 140, các địa phương phải đạt tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số). Quán triệt tinh thần kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh Ninh Thuận thống nhất cao với dự thảo nghị quyết của Chính phủ.

Với tinh thần đó, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đổi mới trong tư duy, hành động, quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành, nhất là trách nhiệm nêu gương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, tiếp tục bám sát các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng lần thứ XIV của tỉnh, Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch KTXH năm 2025 được cụ thể hóa thành chương trình hành động, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng với quyết tâm tăng trưởng GRDP 2025 đạt 13-14%, tập trung hoàn thành sắp xếp bộ máy ngay trong quý 1/2025, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc công cuộc chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Công điện 112 của Thủ tướng Chính phủ cũng như tập trung để khắc phục ngay những hạn chế.

Đặc biệt, tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ của tỉnh để tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân.

Về kiến nghị, đề xuất, Ninh Thuận vinh dự được Trung ương tiếp tục khởi động lại xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn đồng tình và sẵn sàng triển khai ngay các công việc của Trung ương được giao.

Ninh Thuận kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ: Một là sớm xác định lộ trình xây nhà máy điện hạt nhân và hoàn thiện các hệ thống pháp luật, các quy hoạch có liên quan để tỉnh có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh Tư liệu.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh Tư liệu.

Trong bối cảnh tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, để hỗ trợ, tận dụng thời cơ và động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại thông báo 113 của Văn phòng Trung ương cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đã đồng ý cho tỉnh xây dựng chính sách ưu tiên quốc gia), hiện nay, tỉnh đang quyết tâm tập trung xây dựng chính sách này và trong quý 1/2025 sẽ hoàn thành. Tỉnh rất mong các đồng chí lãnh đạo Trung ương quan tâm để sớm thông qua cơ chế chính sách này để tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các công việc tiếp theo.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.

Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa chủ trương này.

Ngày 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khảo sát địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạt nhân. Trước đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Chính phủ cũng đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ninh-thuan--tap-trung-trien-khai-cac-nhiem-vu-de-tai-khoi-dong-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-132197.htm