Trung Quốc: Quy định trợ cấp nước ngoài của EU là rào cản thương mại không công bằng
Trung Quốc cho biết các biện pháp của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các công ty trước các khoản trợ cấp nước ngoài là rào cản không công bằng đối với thương mại và đầu tư, đánh dấu cuộc đụng độ mới nhất trong tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa hai bên.
Hôm thứ Năm (9/1), Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố kết quả điều tra về Quy định trợ cấp nước ngoài (FSR) của EU, trong đó nhấn mạnh việc Ủy ban châu Âu thực hiện chính sách cạnh tranh có chọn lọc đã phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc. Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái sau khi EU bắt đầu xem xét các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện.
Bộ Thương mại cũng cho biết rằng các hành động của EU tạo ra rào cản và hạn chế đối với các công ty, sản phẩm và đầu tư của Trung Quốc, gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường châu Âu. Những động thái như vậy cũng gây bất lợi cho sự phát triển của các nền kinh tế châu Âu và phản tác dụng đối với các sáng kiến xanh của EU.
Trước đó, Trung Quốc cho biết nếu các chính sách đối ngoại được xác định là rào cản thương mại, Bộ Thương mại có thể tiến hành các cuộc đàm phán song phương, bắt đầu giải quyết tranh chấp đa phương và thực hiện "các biện pháp thích hợp khác". Bộ cũng cho biết các bước này có thể bao gồm việc đề xuất "các biện pháp trả đũa".
Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc với EU khi EU đã áp thuế lên tới 45% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sau khi xác định rằng trợ cấp của chính phủ đã mang lại lợi thế không công bằng cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc.
Trung Quốc cho biết EU đã tiến hành các cuộc điều tra chuyên sâu chỉ riêng với các công ty Trung Quốc tham gia mua sắm của chính phủ (public procurement), cùng với các cuộc thanh tra bất ngờ và các biện pháp thực thi nghiêm ngặt khác đối với các công ty Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là "các sản phẩm của Trung Quốc đang bị đối xử bất lợi hơn trong quá trình xuất khẩu sang EU so với các sản phẩm từ các nước thứ ba", Bộ Thương mại cho biết.
Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc đã bảo vệ quy định này là "không phân biệt quốc gia". Ông cho biết biện pháp này "nhằm mục đích chống lại những tác động bóp méo mà trợ cấp có thể gây ra, nhằm đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trên thị trường chung của EU".
Các quy định này trao cho EU quyền thẩm định các khoản trợ cấp mà họ cho là có khả năng bóp méo thị trường trong liên minh. Các cơ quan quản lý có thể phạt tiền, đình chỉ đấu thầu hoặc chặn hoàn toàn việc tiếp quản của chính phủ.