Ninh Thuận triển khai cấp phát gạo hỗ trợ nhân dân dịp giáp hạt 2024
Trong đợt này, huyện miền núi Bác Ái là địa phương có số hộ được hỗ trợ gạo đông nhất với 3.822 hộ và 16.828 nhân khẩu thuộc đối tượng nói trên; tiếp theo là các huyện Ninh Sơn, Thuận Nam...
Thực hiện Quyết định số 465/QĐ-TTg, ngày 30/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương dịp giáp hạt năm 2024, từ ngày 12 - 13/6, tỉnh Ninh Thuận đã khẩn trương tiến hành cấp phát gạo cho người dân ở 5 huyện trong tỉnh.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, trong đợt này, tỉnh được Trung ương phân bổ hơn 589.600 kg gạo để thực hiện cấp phát hỗ trợ cho 5 huyện (gồm: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc và Thuận Nam) với tổng số hộ được nhận 9.518 hộ với 39.307 nhân khẩu (mỗi nhân khẩu được nhận 15 kg gạo/tháng).
Đây là những đối tượng thụ hưởng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đợt này, huyện miền núi Bác Ái là địa phương có số hộ được hỗ trợ gạo đông nhất với 3.822 hộ và 16.828 nhân khẩu thuộc đối tượng nói trên; tiếp theo là các huyện Ninh Sơn, Thuận Nam và Thuận Bắc.
Ông Bạch Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, điều đáng ghi nhận trong việc cấp phát gạo lần này là các địa phương đã có sự phối hợp nhịp nhàng, thực hiện, làm tốt công tác rà soát đối tượng, đúng với quy định đề ra.
Toàn bộ số lượng gạo được chuyển về tận các thôn để Ban Quản lý thôn thực hiện cấp phát với sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương và người dân.
Nhờ đó, việc tiếp nhận và cấp phát gạo đã được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đúng đối tượng và chất lượng, không xảy tình trạng tiêu cực, khiếu nại gây bức xúc… Qua đó, tạo được niềm tin từ người dân địa phương và người được thụ hưởng.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, tình hình nắng hạn kéo dài đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, đời sống của nhân dân và tác động xấu đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Do không có mưa, nguồn nước bổ sung cho các hồ chứa trên địa bàn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hằng năm dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân tại một số khu vực luôn thường trực, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, nguy cơ dịch bệnh vật nuôi do thiếu nước uống, thiếu thức ăn cũng có thể xảy ra. Trên địa bàn có gần 8.000 ha diện tích cây trồng phải dừng sản xuất trong vụ Hè Thu 2024..../.