Ninh Thuận vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận trong thời gian qua tiếp tục ổn định và an toàn. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được tiếp tục quan tâm thực hiện. Tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở Ninh Thuận đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm hàng đầu; cải cách hành chính và chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt…

Tuy vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương vẫn còn những khó khăn như, một số sản phẩm công nghiệp khai khoáng, xây dựng, chế biến chế tạo giảm sâu do nhu cầu tiêu thụ giảm, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng; xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm sâu; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của địa phương, trong thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận cho biết, NHNN chi nhánh Ninh Thuận đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trên địa bàn theo chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, chính quyền địa phương về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng.

Vốn tín dụng ở Ninh Thuận được tập trung cho sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Vốn tín dụng ở Ninh Thuận được tập trung cho sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Trong đó, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Tổ chức khảo sát tình hình tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã trên địa bàn; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối tín dụng cho các hợp tác xã trên địa bàn Ninh Thuận. NHNN chi nhánh Ninh Thuận cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số, truyền thông về kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện trên địa bàn năm 2024.

Trên thực tế, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở Ninh Thuận đang theo xu hướng giảm. Các TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất huy động và cho vay. Trong đó, đến nay lãi suất cho vay bình quân của các NHTM đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3 đến 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của địa phương, ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của địa phương, ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Tính đến ngày 31/5/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 44.820 tỷ đồng, ước đến cuối tháng 6/2024 đạt 45.500 tỷ đồng, tăng 3.049 tỷ đồng (tăng 7,18%) so với cuối năm 2023, bằng 96,56% kế hoạch năm 2024.

Dư nợ cho vay tiếp tục tập trung cho các lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản: 9.950 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,87% tổng dư nợ; công nghiệp - xây dựng: 7.550 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,59% trong tổng dư nợ; thương mại, dịch vụ và tiêu dùng: 28.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,54% trong tổng dư nợ…

Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đến thời điểm 31/5/2024 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 40 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ (bao gồm cả dư nợ gốc và lãi) lũy kế đạt 754 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách ở Ninh Thuân được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tín dụng chính sách ở Ninh Thuân được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, để có cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về việc tham mưu đánh giá, đề xuất biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay trong thực hiện cơ chế, chính sách tín dụng đối với thành phần kinh tế hợp tác xã, Ban hỗ trợ tiếp cận tín dụng ngân hàng cho hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-NTH về tổ chức khảo sát khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của hợp tác xã ở địa phương.

Theo đó, đoàn khảo sát phối hợp với một số sở, ngành, địa phương, tiến hành khảo sát một số hợp tác xã trên địa bàn; đồng thời tổ chức hội nghị gặp mặt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối tín dụng cho các hợp tác xã trên địa bàn Ninh Thuận. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh, NHNN chi nhánh Ninh Thuận phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp tổ chức. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành ở địa phương. Tại hội nghị này, những khó khăn, vướng mắc đã được nêu ra, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy tín dụng đối với thành phần kinh tế hợp tác xã ở Ninh Thuận…

Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở Ninh Thuận đang có xu hướng giảm.

Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở Ninh Thuận đang có xu hướng giảm.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Ninh Thuận.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (30.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ (120.000 tỷ đồng); chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho ngươi dân, doanh nghiệp; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ninh-thuan-von-tin-dung-tap-trung-vao-san-xuat-kinh-doanh-153792.html