Ninh Thuận: Xây dựng 48 mô hình Câu lạc bộ về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số' giai đoạn 2015-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II).
Giai đoạn 2021-2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh có 28 xã; trong đó có 15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2022, dân số toàn tỉnh có 185.645 hộ/732.792 khẩu; hộ nghèo toàn tỉnh là 11.015 hộ, chiếm tỷ lệ 5,93%. Toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 39.326 hộ/173.765 khẩu chiếm 23,71% dân số toàn tỉnh; trong đó hộ nghèo DTTS là 6.974 hộ/29.723 khẩu, chiếm tỷ lệ 17,73% so với tổng số hộ DTTS; hộ cận nghèo DTTS là 3.934 hộ/18.839 khẩu, chiếm tỷ lệ 10% so số hộ DTTS, thấp hơn 1,66% so với năm 2021.
Tại Ninh Thuận, các Sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ được giao thành chương trình, kế hoạch thực hiện. Cho đến nay việc thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả.
Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống qua đài phát thanh và Truyền hình tỉnh như: phóng sự tuyên truyền về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; Pháp luật về Dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình; xử lý các vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình;Các quy định của pháp luật có liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy do các hành vi này gây ra để nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Ngành Y tế cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức của bà mẹ trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên, trong đó có lồng ghép nội dung về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng lồng ghép và quán triệt triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong từng năm học, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong việc thực hiện Đề án. Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trong việc giáo dục chính trị tư tưởng trong học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về Luật hôn nhân gia đình, nhằm khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số;
Bên cạnh đó các ngành như Tư Pháp, Công an tỉnh cũng thực hiện Đề án dưới có nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, mở Hội nghị triển khai; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; Công tác trợ giúp pháp lý thường xuyên lồng ghép việc truyền thông giới thiệu Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình và đề cao vấn đề tránh, nghiêm cấm tình trạng tảo hôn trong hôn nhân gia đình...
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai thực hiện Đềán bằng nhiều hình thức đa dạng, lồng ghép sinh hoạt vào trong các Mô hình gia đình phát triển bền vững; Hội nghị hướng dẫn triển khai công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh huyện, trong đó có lồng ghép nội dung các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số...
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các hoạt động truyền thông về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bình đẳng giới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định liên quan Luận Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; các nội dung liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như những hậu quả, tác hại và hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra... Trong năm các cấp Hội đã tổ chức, lồng ghép 25 buổi tuyên truyền với trên 1.562 lượt hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban Dân tộc tiếp nhận từ Ủy ban Dân tộc 100 cuốn sổ tay tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xin chủ trương in tái bản 9.800 tờ gấp và 1.000 cuốn sổ tay tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chuyển cấp phát cho các xã vùng DTTS tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh; lắp đặt 09 tấm pa nô tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 9 cụm (7 xã ĐBKK và 2 trường DTNT).
Đáng chú ý việc xây dựng, triển khai nhân rộng mới mô hình điểm trong toàn tỉnh đã xây dựng được 48 mô hình Câu lạc bộ, trong đó Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) xây dựng 03 mô hình; Ban Dân tộc xây dựng 08 mô hình: 04 mô hình tại xã và 04 mô hình trường học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, Trường THPT Pi Năng Tắc huyện Bác Ái, Trường THPT Dân tộc Nội trú huyện Ninh Sơn và Trường PT DTNT THCS Thuận Bắc; huyện Ninh Phước duy trì 22 câu lạc bộ tại 22 thôn-khu phố/ 07 xã và 01 thị trấn, nhất là thôn Tà Dương- xã Phước Thái (làm điểm); huyện Bác Ái xây dựng 12 mô hình; huyện Ninh Sơn xây dựng 01 mô hình tại Trường PTDTBT THCS Phan Đình Phùng, xã Ma Nới; huyện Thuận Bắc xây dựng 02 mô hình; hằng năm các mô hình đều tổ chức sơ kết đánh giá kết quả hoạt động để rút kinh nghiệm và chỉ đạo địa phương (xã) củng cố lại Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, tăng cường duy trì các hoạt động câu lạc bộ thường xuyên hơn trong thời gian tới; đồng thời phối hợp với các địa phương tiếp tục nhân rộng.