No ấm Hải Sơn

Về bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã đầu năm mới, trên những đồi cây, chồi non, lộc biếc đang vươn mình trỗi dậy đón nắng xuân ấm áp. Vượt qua một năm với bao khó khăn, thách thức, bằng sự nỗ lực, đoàn kết vươn lên, người dân nơi đây đang viết tiếp câu chuyện no ấm của vùng đất bên dòng sông Mã.

Cán bộ kỹ thuật huyện Sông Mã hướng dẫn người dân bản Hải Sơn kỹ thuật chăm sóc xoài.

Cán bộ kỹ thuật huyện Sông Mã hướng dẫn người dân bản Hải Sơn kỹ thuật chăm sóc xoài.

Bình minh ở bản Hải Sơn thật đẹp, dưới những tia nắng sớm, không khí thi đua lao động, sản xuất của người dân chuẩn bị cho mùa vụ mới như hối hả hơn. Hải Sơn được thành lập từ những năm 1963, khi đó có 21 hộ dân của huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nghe theo lời kêu gọi của Đảng, rời nơi “chôn nhau, cắt rốn” lên đây khai hoang lập nghiệp. Trải qua bao khó khăn gian khổ với biết bao mồ hôi, nước mắt đổ xuống, giờ đây Hải Sơn đã đổi thay thực sự. Bản hiện có 277 hộ, 1.111 khẩu và chỉ còn 6 hộ nghèo do hoàn cảnh đặc biệt.

Nhìn lại những kết quả đạt được từ khi lên Sông Mã lập nghiệp, người dân ở Hải Sơn tự hào về một loại cây trồng mang từ quê hương Hưng Yên lên. Cây nhãn lồng hợp đất, hợp khí hậu Sông Mã nên đã mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân nơi đây. Được biết đến là vùng trồng nhãn tập trung và ngon có tiếng ở Sông Mã, bản Hải Sơn hiện có 72 ha nhãn, sản lượng năm qua đạt 850 tấn. Người dân trong bản đã xây dựng 37 lò sấy long nhãn; trong đó, có 25 lò hơi nhiệt sạch, 12 lò sấy than, nhờ vậy mà vụ nhãn năm qua hơn 80% sản lượng quả nhãn tươi được chế biến thành long ngay, không chỉ giải bài toán tiêu thụ nhãn quả tươi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm.

Cây nhãn lồng gắn bó với Hải Sơn như vừa để nhắc nhớ về quê hương cội nguồn, vừa thể hiện cho ý chí vượt khó, sự cần cù, sáng tạo của những người dân Hưng Yên năm xưa trên quê hương thứ hai của mình. Trồng, chăm sóc cây nhãn từ những ngày đầu lên khai hoang, trải qua bao thăng trầm trước khi thu được quả ngọt, ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, nói: HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn hiện là một trong những đơn vị tiêu biểu trong sản xuất nhãn của huyện Sông Mã, HTX có 15 thành viên, trồng và chăm sóc gần 31 ha nhãn, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha, sản lượng trung bình đạt từ 300-400 tấn/năm; trong đó, có 5 ha nhãn hữu cơ. Năm nay, thị trường tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên ngay từ đầu vụ, HTX vận động các thành viên chuẩn bị lò sấy, sẵn sàng cho vụ làm long. HTX cũng đã xây dựng 1 kho lạnh với sức chứa 200 tấn để bảo quản nhãn. Năm nay, tổng sản lượng quả nhãn tươi của HTX đạt 300 tấn; trong đó, 90% quả nhãn tươi được HTX chế biến thành long nhãn.

Sau niềm vui vụ nhãn bội thu, ông Hoàng Văn Chép, người đang sở hữu vườn nhãn hữu cơ lớn nhất của HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, đang tất bật cắt tỉa cành, bón phân, làm cỏ cho vườn nhãn trước khi bước sang năm mới. Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, ông Chép chia sẻ: Gia đình có gần 2 ha nhãn được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, phân bón sử dụng là phụ phẩm nông nghiệp được ủ hoai mục, làm cỏ thủ công. Vụ vừa rồi gia đình thu hơn 40 tấn quả, sau khi trừ chi phí đầu tư thu lời khoảng 300 triệu đồng, năm nay có tiền ăn Tết to rồi.

Xuân này, về với Hải Sơn, cảm nhận được sự hiện hữu của một vùng quê đổi mới, với sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Trưởng bản Hải Sơn Trần Đăng Khoa, cho biết: Cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn, người dân Hải Sơn cũng có thêm điều kiện để đóng góp xây dựng bản làng. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các đảng viên gương mẫu hiến đất, phá bỏ hàng rào để mở rộng làm đường bê tông. Đến nay, bản Hải Sơn đã đổ bê tông hơn 3,8 km đường trục chính ở bản; trong đó, người dân đóng góp trên 2 tỷ đồng tiền mặt và hàng nghìn ngày công, hiến hơn 2.000 m² đất, chặt bỏ cây để con đường rộng thêm. Những tuyến đường bê tông phẳng phiu vươn đến từng ngõ, bên những căn nhà mới, biệt thự vườn mọc lên làm cho Hải Sơn bừng sáng hơn.

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân Hải Sơn đang đổi thay từng ngày đầy đủ, sung túc hơn. Đón năm mới trong điều kiện thích ứng linh hoạt với tình hình mới, người dân nơi đây hân hoan với những thành công thu hái được sau một năm miệt mài lao động, sản xuất, họ đã từng bước làm chủ được kinh tế, làm chủ được chính cuộc sống của mình trên quê hương thứ hai.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/no-am-hai-son-46912