No ấm Ngải Thầu Thượng

Cách đây 3 năm, cũng vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán, chúng tôi mặt tại thôn Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát. Bản người Mông nằm dưới đỉnh núi Ma Cha Va cao nhất vùng, nên còn được bà con gọi là xóm Ma Cha Va. Cũng vì nằm ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, quanh năm chìm trong mây phủ, nơi đây còn được mệnh danh là bản Mông cao nhất Việt Nam. Hôm nay trở lại xóm Ma Cha Va, bao đổi thay khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Đường mới nối niềm vui

So với nhiều xã khác trên địa bàn huyện Bát Xát, thì Ngải Thầu không chỉ là một trong số ít xã xa nhất, mà còn có địa hình cao và hiểm trở nhất vùng thượng nguồn sông Hồng. Từ trung tâm xã nhìn xuống dưới là thung lũng Thiên Sinh hun hút trải dài ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp, còn nhìn lên trên là vách đá dựng đứng cheo leo. Từ lâu, đồng bào Mông đã sinh sống trên những sườn núi heo hút, trước đây khi chưa có đường bê tông, bà con lên núi chỉ có cách đi bộ, còn thồ hàng thì dùng sức ngựa.

Xóm Ma Cha Va đổi thay từng ngày.

Xóm Ma Cha Va đổi thay từng ngày.

Ngải Thầu Thượng là thôn cao nhất xã Ngải Thầu, cách đây 2 năm chỉ có tuyến đường độc đạo từ trung tâm xã ngược dốc lên hơn 7 km. Tuyến đường nằm trên sống núi cao chót vót tựa như sống lưng khủng long khổng lồ, lúc nào cũng chìm giữa biển mây, biển sương trắng xóa. Những hôm lộng gió, đi trên đoạn đường chênh vênh ấy mà sởn da gà chỉ sợ luồng gió mạnh hất tung cả người lẫn xe xuống vực sâu. Giờ đây lên Ngải Thầu Thượng đã dễ dàng hơn bởi tuyến đường được đổ bê tông, từ Ngải Thầu Hạ, Ngải Thầu Thượng lên xóm Ma Cha Va cũng như được rút ngắn lại.

Tháng Chạp năm nay, sau đợt sương muối, băng tuyết phủ trắng núi rừng, trời vẫn rét tê tái nhưng đã hửng nắng làm cho bức tranh vùng cao Bát Xát càng thêm thơ mộng. Tôi nhấc điện thoại gọi cho Vàng A Tùng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng. Tùng bảo, anh muốn lên thăm Ngải Thầu Thượng thì bây giờ dễ lắm rồi, cùng với tuyến đường cũ được đổ bê tông thì còn có 2 tuyến đường mới mở, ô tô gầm cao có thể đi tắt từ thôn Phan Cán Sử hoặc thôn Trung Chải, xã Y Tý lên xóm Ma Cha Va chỉ vài km.

“Có đường mới, Ngải Thầu Thượng không còn là thôn cụt, đời sống người dân đổi thay nhiều, bà con phấn khởi lắm vì muốn đi đâu, làm gì cũng tiện. Bản Mông cao nhất Việt Nam không còn hoang vu, heo hút nữa mà tuần nào cũng có những đoàn du khách từ khắp nơi lên ngắm biển mây, chụp ảnh, trải nghiệm phong cảnh núi rừng và cuộc sống, phong tục đồng bào vùng cao. Tháng 9 năm nay còn có cả đoàn làm phim từ Hà Nội lên Ngải Thầu Thượng đóng phim nữa anh ạ”, giọng Vàng A Tùng đầy hứng khởi.

Xóm Ma Cha Va hôm nay

Mặc dù chúng tôi lên xóm Ma Cha Va vào ngày nắng nhưng thời tiết ở vùng núi cao này vẫn rét hơn cả trung tâm xã Ngải Thầu và những đợt sương mù vẫn theo gió bay đến khiến bản Mông ẩn hiện trong sương mây thêm huyền ảo. Tháng Chạp năm nay, không khí xóm Ma Cha Va rộn ràng hơn hẳn mọi năm vì từng chuyến ô tô chở hàng hóa, vật liệu xây dựng ngược dốc lên đây. Đến trung tâm xóm Ma Cha Va, cứ đi một quãng chúng tôi lại thấy xen giữa những ngôi nhà tường đất nứt nẻ có những ngôi nhà xây đang mọc lên, đồng bào Mông đến giúp nhau làm nhà trò chuyện rôm rả. Có lẽ đây là năm đầu tiên trong lịch sử xóm Ma Cha Va có nhiều nhà xây mới đến thế.

Ngay cuối xóm Ma Cha Va, anh Sùng A Khoa đang tất bật cùng những người thợ xây hoàn thiện ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Anh bảo, năm nay gia đình tôi bán củ hoàng sin cô được hơn 100 triệu đồng, cộng với tiền tích cóp được mấy năm đủ xây ngôi nhà mới đón tết. Ngày trước chẳng ai xây nhà trên xóm này vì khó chuyển vật liệu lên, giá vật liệu xây dựng lên đến thôn đội gấp đôi, gấp ba lần. Bây giờ thì đường bê tông đẹp rồi, năm nay bà con làm ăn khấm khá, nên tích cực chỉnh trang nhà ở để đón tết thêm vui.

Cách nhà anh Khoa không xa là ngôi nhà mới của gia đình anh Sùng A Tủa đã sơn xong, đẹp như nhà dưới phố. Thấy chúng tôi vào thăm nhà, anh Tủa đang dở tay hàn chấn song sắt trên chiếc cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2 tươi cười: Nhà này tôi xây hết khoảng 400 triệu đồng. Mấy năm qua, tôi đi làm thuê cũng học được nghề thợ xây, hàn sắt nên cùng anh em trong gia đình làm là chính, tuy mất công nhưng tiết kiệm được nhiều tiền lắm. Tết này có nhà xây rồi, vậy là mơ ước bao năm đã thực hiện được, các cụ già và lũ trẻ nhỏ phấn khởi lắm.

Không chỉ nhà anh Khoa, anh Tủa, mà mùa xuân mới 2020, nhiều hộ khác ở bản Mông cao nhất Việt Nam cũng chung niềm vui đón khách trong ngôi nhà mới như Sùng A Chung, Sùng A Giờ, Sùng A Dùa, Sùng A Tùng… Nhiều hộ còn bỏ tiền đổ đường bê tông từ trục đường chính vào tận sân nhà mình để đi lại dễ dàng. Đến thăm nhà bà con, chúng tôi như vui lây vì hộ nào cũng đều đã có xe máy, ti vi, cuộc sống ngày càng thêm no ấm.

Nhiều ngôi nhà xây mới ở bản Mông Ngải Thầu Thượng.

Nhiều ngôi nhà xây mới ở bản Mông Ngải Thầu Thượng.

Bản Mông đón mùa xuân mới

Chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của quê hương, Vàng A Tùng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng cho biết: Thôn Ngải Thầu Thượng có 84 hộ đồng bào Mông thì năm nay có 9 hộ thoát nghèo, còn 37 hộ nghèo. Riêng xóm Ma Cha Va cao nhất thì có hơn 30 hộ, trong đó những hộ xây được nhà mới đều từ phát triển kinh tế. Tuy so với những thôn khác, Ngải Thầu Thượng còn nhiều khó khăn vì là thôn xa xôi nhất, nhưng so với một, hai năm trước thì là sự đổi thay to lớn.

- Vậy điều gì đã giúp đồng bào Mông trên đỉnh núi này có cuộc sống ấm no hơn? Tôi hỏi.

- Đó chính là nhờ làn gió của chương trình xây dựng nông thôn mới và kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm nay, đồng bào Mông ở Ngải Thầu Thượng thắng lớn từ trồng củ hoàng sin cô, bà con bán cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát hơn 70 tấn củ, ngoài ra còn bán cho thương lái hàng chục tấn. Một số hộ như Sùng A Lùng, Sùng A Chu, Sùng A Sử… thu được 50 - 100 triệu đồng từ củ hoàng sin cô. Vừa qua, bà con đăng ký trồng mới gần 10 ha hoàng sin cô nữa. Cùng với phát triển loại cây mới, đồng bào Mông thôn Ngải Thầu Thượng còn thu hoạch 20 - 30 tấn thảo quả, nuôi gần 200 con trâu, 38 con ngựa, chưa kể dê, lợn, gà…

Hỏi thêm Vàng A Tùng, chúng tôi được biết nhiều gia đình người Mông trên xóm Ma Cha Va chủ yếu là những người trẻ mới lập gia đình lên đây lập nghiệp vì dưới đỉnh Ma Cha Va đất đai rộng rãi, bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất. Chi bộ Ngải Thầu Thượng có 10 đảng viên thì hầu hết là đảng viên trẻ, năng động, sáng tạo, tiên phong trong việc phát triển kinh tế để bà con làm theo. Đảng viên Sùng A Lùng - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngải Thầu - là điển hình về trồng cây hoàng sin cô, đảng viên Sùng A Chu tiêu biểu về nuôi ngựa, còn Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vàng A Tùng mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả như lê, mận, táo… Đây chính là động lực quan trọng làm cho mảnh đất cheo leo trên đỉnh núi này sớm thay da đổi thịt.

Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, không khí trên xóm Ma Cha Va càng thêm nhộn nhịp, nhà nhà chuẩn bị đón mùa xuân mới với những mong ước về một năm mới bình yên, no ấm. Những cành đào bám đầy rêu mốc đã bung nụ khoe sắc bên dậu đá, hòa với sắc màu của những chiếc váy thổ cẩm xòe ra trong nắng sớm. Từ trên núi cao nhìn xuống, bản Mông nhỏ được bao quanh bởi rừng tống quá sủ cổ thụ, xa xa là biển mây trắng bồng bềnh đẹp đến nao lòng. Có tiếng sáo chàng trai nào thổi hay quá, lúc thủ thỉ tâm tình như lời của mây của suối, lúc vang vọng tha thiết như nỗi nhớ người yêu, lúc lại thì thầm như tiếng gọi của mùa xuân…

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/no-am-ngai-thau-thuong-z62n20200206110343267.htm