Nợ có khả năng mất vốn tại BIDV tăng vọt hơn 60%
Kết thúc quý 4/2022, tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,12 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 20,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của BIDV cũng tăng vọt từ gần 7.300 tỷ đồng lên 11.760 tỷ đồng, tương đương tăng 61,4% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính, kết thúc quý 4/2022 của Ngân hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV, mã: BID)), tổng tài sản đạt hơn 2,12 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 20,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng nguồn vốn huy động năm 2022 của BIDV đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư năm 2022 đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%).
Tính đến hết quý 4/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu đạt hơn 17.600 tỷ đồng, tăng gần 4.300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 7.283 tỷ lên 11.760 tỷ đồng, tương đương 61,4% so với cùng kỳ.
Trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng cũng tăng mạnh. Trong đó, đối với dự phòng chung tăng từ 10.098 tỷ lên 11.321 tỷ, tương đương tăng 12% so với cùng kỳ. Khoản dự phòng cụ thể tăng mạnh từ 19.005 tỷ lên 26.867 tỷ, tương đương tăng 41,3% so với cùng kỳ.
Trong quý, BIDV đã nộp hơn 6.161 tỷ đồng tiền thuế, trong đó thuế TNDN đạt 4.023 tỷ đồng, thuế TNCN 612 tỷ đồng, còn lại là các loại thuế khác. Kết thúc 31/12/2022, BIDV còn 1.427 tỷ đồng thuế các loại chưa nộp.
Năm 2022, giá trị cổ phiếu BIDV tăng gần 4% so với đầu năm trong bối cảnh VN-Index sụt giảm gần 34%; vốn hóa của BIDV đạt hơn 8,1 tỷ USD.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 22/2, giá cổ phiếu BID giảm 650 đồng, hiện đang giao dịch ở mức 45.600 đồng/cp.