Nợ có khả năng mất vốn tại MSB tăng cao
Tính tới cuối quý II/2024, tín dụng tại ngân hàng MSB tăng tới gần 12%, song nợ xấu cũng có xu hướng tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Ngân hàng MSB lãi quý II/2024 nhờ đâu?
Theo BCTC hợp nhất quý II/2024 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) lãi trước thuế gần 2.160 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng các nguồn thu ngoài lãi.
Cụ thể, quý II/2024, hoạt động kinh doanh cốt lõi của MSB ghi nhận tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.342 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng, như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 17% đạt hơn 384 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 10% đạt gần 72 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng gấp 6,7 lần đạt hơn 746 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 1,6 tỷ đồng.
Kết quả, MSB thu gần 2.785 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 10%. Trong quý II, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 25% so với cùng kỳ, hơn 625 tỷ đồng. Do đó, MSB lãi trước thuế gần 2.160 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB thu được gần 3.690 tỷ đồng lãi trước thuế, chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ do sự sụt giảm của mảng dịch vụ và chứng khoán kinh doanh. Như vậy, MSB đã thực hiện được 54% mục tiêu 6.800 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm sau quý II.
Về tình hình dòng tiền, 6 tháng đầu năm 2024, dòng tiền kinh doanh tại MSB giảm mạnh 79% so với cùng kỳ 2023, xuống còn 2.797 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư bất ngờ âm hơn 55 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 chỉ âm hơn 11 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại nhà băng này giảm tới 80% xuống còn 2.742 tỷ đồng.
Nợ nhóm 4 và nhóm 5 có xu hướng tăng mạnh
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của MSB đạt 295.537 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 12% so với đầu năm, đạt 166.389 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của MSB tăng 11% so với đầu năm lên hơn 261.657 tỷ đồng, chiếm phần lớn là tiền gửi của khách hàng - hơn 151.742 tỷ đồng và hơn 85.696 tỷ đồng tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến cuối quý II/2024, nợ xấu tại MSB tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm 23% xuống còn 792 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 13% lên hơn 1.632 tỷ đồng. Nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 50% lên gần 2.708 tỷ đồng, chiếm tới 53% tổng nợ xấu của ngân hàng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,87% hồi đầu năm lên mức 3,08% (vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Chưa kể, nợ nhóm 2 tại MSB (nợ cần chú ý) tuy chưa bị xếp vào nợ xấu nhưng có xu hướng tăng mạnh lên mức 3.518 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm.
Tính đến cuối quý II/2024, lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ lớn nhất của MSB là cho vay cá nhân với hơn 38.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%, so với đầu năm con số này đã giảm hơn 2.400 tỷ đồng; tiếp đến là dư nợ cho vay ngành thương mại hàng công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng hơn 21.355 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 13% và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng hơn 15.280 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 9,18%.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay theo lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí lại có tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng gấp 9,5 lần so với đầu năm, từ 188 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 1.803 tỷ đồng.
Có thể thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tín dụng tăng tới 12%, song lợi nhuận nửa đầu năm của MSB chỉ tăng nhẹ 4%.
Bên cạnh đó, trong quý vừa qua, MSB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%.
Ngày 25/7/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành văn bản cho phép MSB trả cổ tức bằng cổ phiếu. Dự kiến, ngân hàng này sẽ hoàn tất đợt phát hành trong quý III/2024. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng lưu hành dự kiến là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.
Mới đây, MSB cũng công bố danh sách 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong số các cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ của MSB trở lên, nhiều công ty có mối liên hệ với Tập đoàn ROX (ROX Group, trước đây là TNG Holdings).
Cụ thể, 3 công ty là CTCP ROX Key Holdings sở hữu 48,6 triệu cổ phiếu, tương đương 2,43% vốn của MSB; CTCP Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL sở hữu 21,6 triệu cổ phiếu, tương đương 1,08% vốn MSB; và CTCP Đầu tư Xây dựng ROX Cons sở hữu 37,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,87% vốn MSB.
Được biết, Chủ tịch Hội Đồng quản trị của MSB là ông Trần Anh Tuấn còn Chủ tịch Hội đồng quản trị của ROX Group chính là vợ của ông Tuấn: Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/no-co-kha-nang-mat-von-tai-msb-tang-cao-715251.html