Nợ công đang trở thành mối họa lớn của nền kinh tế Trung Quốc
Các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương đã trở thành một vấn đề lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới…
Từng được biết đến là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, vùng núi Quý Châu trong thập kỷ qua đã trở nên nổi tiếng vì một lý do khác: đây là nơi có một số cây cầu cao nhất thế giới. Từ cây cầu Beipanjiang cao 565 mét nối Quý Châu và tỉnh lân cận Vân Nam cho đến cây cầu Pingtang cao 332 mét bắc qua hẻm núi sông Caodu - các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy du lịch của Quý Châu đã giúp tỉnh thoát khỏi đói nghèo và nhận được lời khen ngợi đặc biệt từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng cầu cao cũng đi kèm với chi phí lớn. Tính đến cuối năm 2022, khoản nợ của Quý Châu đã lên tới 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (165,7 tỷ USD). Với tỷ lệ nợ trên GDP là 62%, đây là một trong những tỉnh mắc nợ nhiều nhất ở Trung Quốc. Theo một ước tính, bao gồm cả nợ ngoại bảng, con số này có thể lên tới 137%.
ĐỊA PHƯƠNG TRUNG QUỐC NẶNG GÁNH VỚI "NÚI NỢ"
Số nợ khổng lồ mà các tỉnh của Trung Quốc tích lũy lại, phần lớn đến từ LGFV (Local government financing vehicle, hay còn gọi là nền tảng tài chính địa phương, thường tồn tại dưới hình thức một công ty đầu tư vay tiền để tài trợ cho việc phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng khác của địa phương), đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thực trạng này cũng khiến căng thẳng gia tăng giữa chính quyền địa phương và trung ương khi Bắc Kinh tìm kiếm các mô hình tăng trưởng kinh tế khu vực mới.
Theo ông Chi Lo, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BNP Paribas Asset Management ở Hồng Kông cho biết: “LGFV có thể coi là di sản của mô hình tăng trưởng mở rộng nguồn cung cũ, tức là dựa vào đầu tư lớn để tạo việc làm và thu nhập. Nhưng cơ cấu tăng trưởng của Trung Quốc hiện đang thay đổi và khi nó thay đổi, các phương tiện cấp vốn cũ phục vụ cho nền kinh tế cũ đã trở nên lỗi thời”.
Các chính quyền địa phương, thường duy trì nhờ nguồn tài trợ từ Bắc Kinh và lợi nhuận bán đất, từ lâu đã được khuyến khích vay tiền để hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực.
LGFV đầu tiên được thành lập vào khoảng năm 1998 để tài trợ cho việc xây dựng đường cao tốc. Hoạt động này đã đạt được động lực sau gói kích thích 4 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2009 nhằm khuyến khích các tỉnh chủ động đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.
Các ngân hàng coi LGFV - được chính quyền địa phương hậu thuẫn ngầm - là khách hàng an toàn và đến cuối năm 2022, nợ chính quyền địa phương chính thức của Trung Quốc lên tới 94 nghìn tỷ nhân dân tệ, theo ước tính từ Goldman Sachs.
Kể từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát đến nay, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc ngày càng chật vật, một phần do chi tiêu công liên quan đến đại dịch tăng vọt trong khi doanh số bán đất mà họ dựa vào để có doanh thu lại giảm mạnh. Với một lượng lớn các khoản nợ phải trả vào năm 2023 và 2024, áp lực lên các chính quyền địa phương vốn đang gặp khó khăn trong thời kỳ kinh tế suy thoái ngày càng gia tăng.
Tác động của cuộc khủng hoảng nợ đã thể hiện rõ ở các dịch vụ do chính quyền địa phương cung cấp. Ở tỉnh Hắc Long Giang, người dân gặp khó khăn trong việc sưởi ấm nhà cửa vào mùa đông sau khi các nhà cung cấp khí đốt địa phương hạn chế nguồn cung. Các công ty đổ lỗi cho việc thiếu trợ cấp của chính phủ.
Tại thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc, nơi diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, ngân sách địa phương đang ngày càng eo hẹp. Một công chức ở thành phố, yêu cầu giấu tên vì không được phép nói chuyện với truyền thông, cho biết ông không còn tự tin về việc được trả lương. “Nhận lương cũng giống như ném xúc xắc. Bạn không biết mình sẽ nhận được bao nhiêu lương trong tháng này”, người công chức này chia sẻ.
Ông Victor Shih, giáo sư kinh tế chính trị Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, đánh giá: “Nợ địa phương đang tăng lên một cách rất khó kiểm soát. Sự phụ thuộc của địa phương vào chính quyền trung ương và vào việc phát hành nợ ngày càng trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng”.
Thực trạng gần như vỡ nợ của thành phố lớn thứ hai tỉnh Quý Châu là Tuân Nghĩa vào tháng 12/2022 đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống, đồng thời đặt ra kỳ vọng lớn về các gói cứu trợ của chính phủ trung ương.
CÁCH NÀO GỠ KHÓ CHO ĐỊA PHƯƠNG?
Vào tuần trước, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã tuyên bố sẽ nỗ lực ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trái phiếu LGFV. Bắc Kinh đã quyết định cử các nhóm quan chức từ ngân hàng trung ương, bộ tài chính và cơ quan giám sát chứng khoán đến hơn 10 tỉnh có nền tảng tài chính yếu nhất để xem xét sổ sách và tìm cách cắt giảm nợ và tài sản xấu.
Đã có một đề xuất hoán đổi một phần trong số 59 nghìn tỷ nhân dân tệ ước tính thành “nợ ẩn” – tức là khoản vay ngoài sổ sách và thường được huy động thông qua các kênh tư nhân thành trái phiếu chính quyền địa phương chính thức. Cơ quan truyền thông tài chính Trung Quốc Caixin đã đưa tin vào cuối tuần trước rằng có thể hoán đổi tới 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Nhưng như cựu bộ trưởng tài chính Lou Jiwei đã nhiều lần lập luận trong các bài phát biểu trước công chúng, quá nhiều giao dịch hoán đổi như thế sẽ chỉ trì hoãn việc giải quyết tận gốc vấn đề.
Nhiều chuyên gia cũng dự kiến sẽ đề xuất tăng thời hạn cho vay đối với LGFV lên 25-30 năm và cắt giảm lãi suất, tạo cho LGFV một khoảng trống để tìm nguồn doanh thu mới. Các ngân hàng sẽ gián tiếp hấp thụ chi phí.
Nhưng những rủi ro đến từ việc tái cơ cấu như vậy đã khiến một số ngân hàng đầu tư đánh giá lại xếp hạng của các ngân hàng nhà nước có mức độ tiếp xúc cao với LGFV. Theo một dự đoán được thực hiện bởi nhà phân tích Wang Jian của Guosen Securities, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại sẽ thấp hơn 6% nếu 10% khoản vay LGFV của họ được cơ cấu lại.
Cách đơn giản nhất để giảm nợ là bán tài sản. Trong trường hợp của Quý Châu, các chuyên gia đã đề nghị bán hoặc cầm cố một số cổ phần tại Kweichow Moutai, nhà sản xuất rượu có giá trị nhất thế giới, một người quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết. Nhưng bất chấp áp lực của chính phủ trung ương về việc xử lý, chính quyền địa phương vẫn tỏ ra miễn cưỡng.
“Giả định của chính phủ trung ương là tài sản đó thừa đủ để trả nợ, điều này đúng ở một mức độ nhất định. Nhưng vấn đề là những tài sản đó có thể chuyển thành tiền mặt nhanh đến mức nào, đặc biệt là ở các tỉnh thành miền Tây yếu hơn”, ông Ivan Chung, giám đốc điều hành tại Moody's Investor Service đưa ra câu hỏi.
Sự miễn cưỡng này cũng nói lên căng thẳng giữa chính quyền địa phương và trung ương về vấn đề nợ nần.
“Tâm lý cơ bản của sự miễn cưỡng này đến từ khía cạnh chính trị. Cầu và đường được xây dựng nhằm đáp lại lời kêu gọi tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Nhưng tại sao bây giờ các địa phương phải gánh chịu mọi chi phí thay mặt chính quyền trung ương?” một chủ ngân hàng nhà nước cấp cao chuyên giải quyết nợ của chính quyền địa phương Quý Châu tiết lộ.
Trong một tuyên bố gửi tới chính quyền địa phương, Bộ Tài chính Trung Quốc hồi tháng 2 cho biết: “Nếu là con của bạn, bạn nên tự mình bế nó. Chính quyền trung ương sẽ không bảo lãnh cho bạn”.
Sau đó vào tháng 5, văn phòng tài chính Quý Dương, thủ phủ của tỉnh, đưa thông báo rằng họ đã làm mọi thứ có thể để giải quyết khoản nợ của mình. Tuyên bố sau đó đã được gỡ xuống khỏi trang web của văn phòng.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng vai trò của LGFV trong nền kinh tế Trung Quốc cần phải được cải cách một cách căn bản.
Trong bài trình bày trước Thủ tướng Lý Cường vào tháng 7, nhà phân tích kinh tế vĩ mô trưởng Luo Zhiheng tại Yuekai Securities nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương nên giảm chi tiêu dựa vào nợ và nên dựa nhiều hơn vào nguồn thu từ thuế hoặc nguồn vốn từ chính quyền trung ương để đầu tư.
Ông Luo cho biết, điều này sẽ phù hợp với nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng lại nền tảng doanh thu thuế. Các chuyên gia khác chỉ ra, nhiều loại thuế đánh vào bất động sản và thu nhập cá nhân có thể được áp dụng khi đến thời điểm thích hợp.
Một giải pháp khác là cho phép chính quyền trung ương huy động thêm tiền. “Vẫn còn dư địa để chính quyền trung ương có thể chi tiêu thâm hụt. Nhưng tôi nghĩ các nhà kinh tế đều hiểu rằng đó là giải pháp tài chính cuối cùng mà chính phủ Trung Quốc muốn làm”, giáo sư kinh tế Victor Shih nhận định.
Việc xây dựng những cây cầu ở Quý Châu là một quá trình kéo dài hàng thập kỷ. Tương tự, việc gỡ rối tài chính cho địa phương cũng có thể mất tới nhiều năm.