Nợ công gia tăng 'níu bước tăng trưởng' kinh tế toàn cầu

Nợ công toàn cầu đang gia tăng tới mức kỷ lục, không chỉ ảnh hưởng ngày càng lớn đến mức sống của người dân, mà còn tạo mối đe dọa với triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Gánh nặng nợ khổng lồ 91.000 tỷ USD

Đầu tháng 7 vừa rồi, Ngân hàng Thanh toán quốc tế cảnh báo nợ công toàn cầu đang ở mức kỷ lục. Theo con số thống kê, các chính phủ trên thế giới hiện đang gánh khoản nợ khổng lồ lên đến 91.000 tỷ USD, gần bằng tổng giá trị của nền kinh tế toàn cầu. Còn với dữ liệu lấy từ báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vào tháng 10-2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong 20 nền kinh tế phát triển được phân tích, 11 quốc gia có tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP ở mức hơn 100%.

Nợ công gia tăng cản trở mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của thế giới

Nợ công gia tăng cản trở mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của thế giới

Đứng đầu là Nhật Bản, nước đang có thâm hụt ngân sách ở mức 6,5% GDP, khiến nợ công ở mức cao nhất cho đến nay là 250% GDP. Hãng thông tấn Kyodo dẫn dữ liệu chính phủ Nhật Bản cho biết, nợ công của nước này đã chạm ngưỡng kỷ lục 1.286,45 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 8,6 nghìn tỷ USD) trong năm 2023. Khoản nợ nói trên tăng 29,45 nghìn tỷ yên so với tháng 12-2022, và cao gấp đôi quy mô nền kinh tế Nhật Bản. Các khoản nợ này bao gồm 1.146,06 nghìn tỷ yên trái phiếu chính phủ, 48,09 nghìn tỷ yên vay và 92,3 nghìn tỷ yên trong tín phiếu tài chính. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản là khoảng 600 nghìn tỷ yên tính theo danh nghĩa.

Ở Mỹ, chính phủ liên bang sẽ phải chi 892 tỷ USD trong tài khóa hiện tại để trả lãi vay, nhiều hơn số tiền dành cho quốc phòng và gần bằng ngân sách cho Medicare, chương trình bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người khuyết tật. Trong tài khóa tới, theo Văn phòng Ngân sách quốc hội (CBO), cơ quan giám sát tài chính của Quốc hội Mỹ, các khoản thanh toán lãi vay của nước này sẽ vượt 1.000 tỷ USD trên khoản nợ quốc gia hơn 30.000 tỷ USD, tương đương quy mô nền kinh tế Mỹ. CBO dự báo nợ công của Mỹ sẽ đạt 122% GDP chỉ trong 10 năm tới và vào năm 2054, mức nợ dự kiến sẽ tương đương 166% GDP.

Với Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên đều đang cố gắng đưa tỷ lệ nợ công xuống mức dưới 60% GDP để đảm bảo sự bền vững của nền tài chính. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng thành công. Dù được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay, song Italia lại vừa chứng kiến số nợ công tăng lên mức kỷ lục - 2.843 tỷ euro. Dù nợ công đã lên tới 143,5% GDP, chính phủ Italia vẫn phát hành thêm trái phiếu trung và dài hạn với tổng trị giá 118 tỷ euro trong nửa cuối năm 2023. Trước đó, hơn 202 tỷ euro trái phiếu đã được bán trong nửa đầu năm 2023.

Với Pháp, nợ công năm nay của nước này đã tăng lên 112% GDP, từ mức 97% GDP năm 2019 và 65% GDP năm 2007. Thâm hụt ngân sách dự báo vào khoảng 5% GDP năm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư dự báo núi nợ công nước này sẽ còn cao hơn. Còn tại Anh, nợ công cũng tăng lên 104% GDP trong năm nay, từ mức 86% GDP năm 2019 và 43% GDP năm 2007.

Với các nước mới nổi và có thu nhập trung bình tại châu Á, dự báo nợ công sẽ tăng lên mức tương đương 82,4% GDP trong năm 2024, tăng 3 điểm phần trăm so với năm trước. Con số này cao hơn mức ở châu Âu và châu Mỹ Latin. Nợ công của các nước thu nhập thấp cũng tăng 1 điểm so với năm trước, lên mức tương đương 44,6% GDP. Theo ADB, 70% số quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn thâm hụt tài chính trong tài khóa 2023.

Theo giới chuyên môn, việc nợ công tăng cao phản ánh sự phụ thuộc nặng nề của các nước vào vay mượn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu phòng chống lại đại dịch Covid-19 và giá cả tăng cao. Thêm vào đó, lạm phát kết hợp với nhiều yếu tố khác như bất ổn chính trị và những lo ngại của giới đầu tư về tác động kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Lợi suất trái phiếu tăng đồng nghĩa với chi phí đi vay, tức nợ công của chính phủ cũng nặng gánh thêm.

Mối đe dọa ngày càng lớn với mức sống người dân

Gánh nặng nợ nần gia tăng đã trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với mức sống của người dân, ngay cả ở các nền kinh tế giàu có như Mỹ. Chi phí trả nợ cao hơn đồng nghĩa với việc chính phủ có ít tiền hơn cho các dịch vụ công thiết yếu hoặc để ứng phó với các cuộc khủng hoảng như suy thoái kinh tế, đại dịch hoặc xung đột. Do lợi suất trái phiếu chính phủ được sử dụng để định giá các khoản nợ khác, chẳng hạn như thế chấp nhà, lợi suất tăng cũng có nghĩa là chi phí vay mượn của các hộ gia đình và doanh nghiệp cao hơn, điều gây tổn hại đến đà tăng trưởng kinh tế.

Khi gánh nặng nợ gia tăng trên toàn thế giới, các nhà đầu tư ngày càng lo lắng. Điều này đương nhiên tác động đến dòng đầu tư trên toàn cầu. Theo báo cáo của Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI đã giảm 2% xuống còn 1.300 tỷ USD vào năm 2023. Nếu không tính một số trường hợp ngoại lệ, FDI thế giới thậm chí đã giảm tới hơn 10% trong năm thứ hai liên tiếp. Đầu tư trực tiếp giảm sút đặc biệt gây tổn hại cho các nước đang phát triển vì đây thường là nguồn tài trợ bên ngoài lớn nhất của các nước này.

UNCTAD cho biết năm 2023, dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển đã giảm 7%, xuống còn 867 tỷ USD.

Hệ quả là việc giải quyết các thách thức toàn cầu như tình trạng đói nghèo gặp nhiều thách thức vì thiếu nguồn lực. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết năm 2022, tổng cộng 712 triệu người trên toàn cầu đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, tăng 23 triệu người so với năm 2019. Con số này cho đến nay chưa cải thiện nhiều. Mục tiêu phát triển bền vững đầu tiên nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực vào năm 2030 sẽ không đạt được. Dự kiến tới thời điểm đó, vẫn có 574 triệu người, gần 7% dân số thế giới, sống với mức dưới 2,15 USD một ngày, hay còn gọi là ngưỡng nghèo cùng cực. Còn theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và WB, hiện đang có khoảng 333 triệu trẻ đang phải sống trong cảnh đói nghèo cùng cực.

Cuối cùng, nợ công sẽ tác động tiêu cực đến chính sách của nhiều quốc gia, làm hạn chế các giải pháp kích cầu, theo đó “níu bước tăng trưởng” kinh tế toàn cầu. Vấn đề nợ công còn trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và xung đột vũ trang, bất ổn chính trị đang bùng phát ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới hiện nay. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 được dự báo ở mức lạc quan hơn so với các con số công bố trước đó, nhưng nếu không giải quyết hợp lý nợ công, những tác động tiêu cực sẽ cản trở mục tiêu tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, trong năm 2024 - năm diễn ra nhiều cuộc bầu cử trên khắp thế giới, phần lớn các chính trị gia lại phớt lờ vấn đề này, không sẵn sàng thẳng thắn với cử tri về việc cần phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để giải quyết núi nợ công. Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn đưa ra những hứa hẹn xa vời, có thể đẩy lạm phát lên cao trở lại và thậm chí có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Chẳng hạn, thay vì tìm cách chi tiêu ít hơn và tăng thuế, giới chức Anh, Pháp lại công bố các kế hoạch ngược lại để lấy phiếu của cử tri. Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2024 là ông Joe Biden và ông Donald Trump cũng đều không hứa hẹn kỷ luật tài chính trước thềm bầu cử.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/no-cong-gia-tang-niu-buoc-tang-truong-kinh-te-toan-cau-post583236.antd