Nợ công toàn cầu: Hệ lụy từ 'cơn sóng thần'

Theo báo cáo nợ công toàn cầu được Liên hợp quốc công bố ngày 12/7, nợ công trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 3 lần tính từ 2002.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, một “sự cố hệ thống” về nợ công toàn cầu có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính thế giới.

Khi những nền kinh tế mạnh cũng nợ công cao kỷ lục

Cách đây chưa lâu, ngày 16/6/2023, theo dữ liệu mà Bộ Tài chính Mỹ công bố, nợ quốc gia của Mỹ đã vượt qua mức kỷ lục 32.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Trước đó, hồi tháng 1/2023, đồng hồ nợ công của Mỹ đã điểm 31.400 tỷ USD, chạm giới hạn vay, khiến Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để chính phủ có thể tiếp tục trang trải hoạt động, tránh tình trạng vỡ nợ. Mọi chuyện tồi tệ tới mức, ngày 3/6/2023, Tổng thống Joe Biden đã phải ký duyệt dự luật đình chỉ trần nợ công của Mỹ ở mức 31.400 tỷ USD, tránh cho nước Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong cuộc thảo luận về trần nợ công tại Nhà Trắng ngày 22/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong cuộc thảo luận về trần nợ công tại Nhà Trắng ngày 22/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, Tổng thống Biden đã ký ban hành “Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023” đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn, qua đó tránh được tình trạng vỡ nợ có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu. Biện pháp này cho phép chính phủ Mỹ tiếp tục vay tiền không giới hạn cho đến ngày 1/1/2025, khi việc đình chỉ trần nợ kết thúc. Theo dự đoán của quỹ Quỹ Peter G. Peterson, Mỹ có thể nợ thêm 127.000 tỷ USD trong 30 năm tới, với chi phí lãi vay chiếm khoảng 40% doanh thu liên bang của quốc gia vào năm 2053.

Đức - nền kinh tế được xem là mạnh nhất châu Âu - năm 2023 cũng ghi nhận mức nợ công cao kỷ lục. Ngày 29/6, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết nợ công của nước này tiếp tục tăng trong quý đầu tiên của năm 2023, chạm mức kỷ lục 2.406,6 tỷ euro (tương đương 2.628,4 tỷ USD).

So với cuối năm 2022, nợ công của Đức trong quý I/2023 đã tăng thêm 38,8 tỷ euro, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tài chính gia tăng của chính phủ Đức nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trước đó, số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết vào cuối năm 2020, nợ công của nền kinh tế Đức đã đạt mức 2.172,9 tỷ euro (2.580,63 tỷ USD), mức cao nhất từng được ghi nhận trong thống kê nợ hằng năm.

52 quốc gia sắp vỡ nợ hoặc không giảm được nợ

Đó là con số do chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra đồng thời cảnh báo rằng 52 quốc gia này không có cách nào giảm bớt gánh nặng nợ nần và đang tiến gần đến tình trạng vỡ nợ. Ông Guterres cảnh báo rằng nợ công toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 92.000 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2000. Còn theo báo cáo mới đây của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), gần 40% thế giới đang gặp rắc rối nghiêm trọng về nợ nần.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden ký duyệt dự luật nâng trần nợ công hồi tháng 6/2023 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký duyệt dự luật nâng trần nợ công hồi tháng 6/2023 (Ảnh: Reuters).

Nợ toàn cầu là tổng số tiền nợ của các tập đoàn, chính phủ và cá nhân trên khắp thế giới. Theo báo cáo nợ công toàn cầu được Liên hợp quốc công bố ngày 12/7/2023, nợ công trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 3 lần tính từ 2002. Các khoản nợ của các nước đang phát triển chiếm 30% nợ công toàn cầu. Trong đó, 70% là các khoản nợ của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển có thể chứng kiến tỷ lệ nợ công/GDP trên 60%.

Giải pháp cho vấn đề nợ công toàn cầu: Chuyện không dễ dàng

Theo thống kê của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), mức nợ công toàn cầu liên tục tăng một cách đáng quan ngại trong nhiều năm gần đây. Năm 2020 là 226.000 tỷ USD, 256% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Năm 2021, núi nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục khi tổng mức vay nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình toàn cầu lên tới mức 303.000 tỷ USD, gấp ba lần quy mô GDP hằng năm toàn cầu.

“Hầu như tất cả quốc gia đều đang nợ nhiều hơn so với thời điểm vào năm 2008 trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Liệu khủng hoảng nợ có sắp xảy ra hay không? Tôi không khẳng định như vậy. Nhưng rõ ràng là đang có một số quốc gia đang ở vào tình trạng rất, rất khó khăn” - Giám đốc phân tích tín nhiệm quốc gia của công ty tài chính S&P Global Ratings (Mỹ), ông Roberto Sifon-Arevalo, từng đưa ra nhận xét.

Cũng theo Viện Tài chính Quốc tế, nợ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng do khoản vay của chính phủ vẫn ở mức cao, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như dân số già, căng thẳng địa chính trị, chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng và chênh lệch trong tài chính khí hậu.

Hệ lụy khi vỡ nợ xảy ra thực sự là đáng quan ngại. Như câu chuyện của Sri Lanka là một ví dụ. Sri Lanka đã thông báo vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD vào tháng 4/2022. Thông báo này sau đó đã khiến tất cả các bệnh viện ở nước này đã không còn có thể tiếp cận với nguồn thiết bị y tế nhập khẩu cũng như các loại thuốc quan trọng dùng trong cấp cứu và thuốc đặc trị các ca bệnh hiểm nghèo. Sri Lanka cũng không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu khiến 22 triệu dân này phải đối mặt với nhiều tháng thiếu lương thực, xăng dầu và thuốc men.

Việc Sri Lanka vỡ nợ được xem là cảnh báo đắt giá cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cùng tìm ra các giải pháp đa phương mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công mà các nước đang phát triển phải đối mặt.

Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner kêu gọi đẩy nhanh các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ 52 nước đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề nợ công như thế nào lại là bài toán không hề đơn giản nếu không muốn nói là quá thách thức.

 Tháng 4/2022, Sri Lanka tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD. Ảnh: AFP.

Tháng 4/2022, Sri Lanka tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD. Ảnh: AFP.

LHQ đề xuất một số biện pháp khắc phục khẩn cấp, bao gồm một “cơ chế xử lý nợ hiệu quả” hỗ trợ tạm dừng thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn, dành cho cả các nước thu nhập trung bình dễ bị tổn thương. Báo cáo cũng kêu gọi tăng quy mô của nguồn tài chính dài hạn hợp lý bằng cách thay đổi cách thức hoạt động của các ngân hàng phát triển đa phương, tái thiết kế để các ngân hàng này hỗ trợ phát triển bền vững và tận dụng các nguồn lực tư nhân.

Ngày 22/2/2023, UNDP kêu gọi các chủ nợ xóa 30% các khoản nợ phát sinh trong năm 2021 cho 52 nền kinh tế đang gặp khó khăn, bao gồm Argentina, Liban, Ukraine, 23 nước khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, 10 nước khu vực Mỹ Latin-Caribe, 8 nước tại Ðông Á và Thái Bình Dương.

Còn tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các Nền kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại thành phố Gandhinagar, thủ phủ bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, giãn nợ cho các nước nghèo, thảo luận về các thỏa thuận tái cơ cấu nợ, cũng như các thỏa thuận thuế quốc tế công bằng hơn, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ đã là một trong những chủ đề trọng tâm được đưa ra bàn luận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng giữa các nước, đặc biệt là các nước chủ nợ lớn trong vấn đề này. Trước đó, hồi tháng 2/2023, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc tại Ấn Ðộ mà không ra được tuyên bố chung.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/no-cong-toan-cau-he-luy-tu-con-song-than-post257018.html