Tín dụng kỳ vọng tăng tốc, nhưng sẽ khó bùng nổ

Các yếu tố thuận lợi đã xuất hiện cùng việc Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2024 sẽ được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, khả năng tín dụng cũng sẽ khó bùng nổ và mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra hồi đầu năm 2024 cũng vẫn là thách thức lớn.

Doanh số các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn cùng kỳ 3 năm trước. Ảnh tư liệu minh họa.

Doanh số các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn cùng kỳ 3 năm trước. Ảnh tư liệu minh họa.

Tốc độ cải thiện dần...

Thời gian gần đây, nhiều tín hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng đã “tăng ga” tốt hơn sau giai đoạn khá “ì ạch” hồi đầu năm. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến giữa tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng như trên được NHNN và giới tài chính đánh giá là thấp do một số nguyên nhân. Theo NHNN, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể, cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số cùng kỳ 3 năm trước. Đặc biệt là diễn biến thị trường đã đảo chiều sau giai đoạn ì ạch hồi đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

Trước đó, riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng âm 0,72%, theo đó chỉ trong 3,5 tháng, từ tháng 3 đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng một phần đã bù được cho phần âm của 2 tháng đầu năm, một phần đã bứt tốc để đạt tốc độ 3,79%. Theo đó, nếu loại trừ 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng trong 3,5 tháng (từ tháng 3 đến giữa tháng 6) đạt tới 4,51%, bình quân đạt gần 1,3% mỗi tháng. Với những diễn biến hiện nay, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, tín dụng tuy yếu nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng từ đầu năm, nhưng dùng số liệu so sánh với cùng kỳ năm ngoái cũng không phải thấp và điều quan trọng nữa là diễn biến đang theo xu hướng phục hồi tốt dần lên.

... Nhưng sẽ khó bùng nổ

Bên cạnh sự phục hồi khả quan trong những tháng gần đây, NHNN cũng đang thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng trong nửa cuối năm, điều này cũng đang đặt ra kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục có những diễn biến khả quan.

Cụ thể, cơ quan quản lý thị trường tiền tệ tiếp tục cho biết, sẽ có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các TCTD công bố công khai lãi suất cho vay bình quân. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật các TCTD năm 2024; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Một trong những giải pháp nữa là tiếp tục tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo nhiều hình thức; tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo NHNN tại các địa phương về công tác tín dụng và theo chuyên đề nhằm kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác tín dụng.

Mặc dù tín hiệu tăng trưởng hoạt động cho vay đã và có thể tiếp tục có phần cải thiện hơn sau một thời gian chững lại những tháng đầu năm, nhưng các chuyên gia cho rằng, khả năng tăng trưởng tín dụng có thể “bùng nổ” mạnh mẽ trong những tháng còn lại của năm 2024 cũng khó xảy ra. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho biết, sẽ rất khó cho ngành Ngân hàng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 15% như đề ra hồi đầu năm.

Ngoài ra, bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự thuận lợi hoàn toàn, trong đó, tăng trưởng kinh tế mặc dù đang phục hồi, nhưng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam sẽ đạt 5,3% so với cùng kỳ (mức tăng GDP trong quý I đạt 5,7%). Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan thuộc Standard Chartered cho biết, nền kinh tế có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong quý III trong bối cảnh áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu.

PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN - TRƯỞNG BỘ MÔN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH (ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH): Dòng vốn tín dụng đang được định hướng tốt

Tôi cho rằng tín dụng giai đoạn nửa cuối năm 2024 sẽ cải thiện hơn so với nửa đầu năm nhờ vào các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, nhưng khó có thể đạt 15% như mục tiêu.

Về dòng chảy tín dụng, hiện nay tín dụng đang được định hướng tốt chảy vào sản xuất nhiều và đó là yếu tố tích cực, vì mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, dòng vốn được điều hướng tốt, hạn chế các kênh đầu cơ có thể khiến cho con số tăng trưởng không thực sự cao về mặt số liệu, nhưng đó là yếu tố bền vững, góp phần ổn định kinh tế.

Về bối cảnh kinh tế chung, nền kinh tế cũng vẫn còn nhiều khó khăn, nên sự phục hồi đang diễn ra, nhưng có thể chưa đạt tốc độ phục hồi như kỳ vọng. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có yếu tố lãi suất của Mỹ vẫn neo ở mức cao chứ chưa giảm sớm như kỳ vọng trước đây, các yếu tố xung đột địa chính trị trên thế giới vẫn còn diễn ra… Theo đó, với bối cảnh thực tế của nền kinh tế trong và ngoài nước như trên, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ cần ở mức độ phù hợp, vì thực chất không nhất thiết phải “kích” cho tín dụng tăng trưởng cao hơn quá nhiều so với tăng trưởng kinh tế.

ÔNG PHẠM NHƯ ÁNH - TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG TMCP QUÂN ĐỘI (MB): Các ngân hàng đặt kỳ vọng nhiều vào sức hấp thụ của nền kinh tế

Dự kiến đến hết tháng 6/2024, MB có thể sẽ tăng trưởng được 6 - 6,5%. Với mục tiêu năm nay tăng trưởng khoảng 15,5%, chúng tôi cần đạt khoảng 8% nữa trong 6 tháng cuối năm. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu vào đầu, hoặc giữa quý IV/2024.

Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều mà MB và các ngân hàng kỳ vọng nhất là sức hấp thụ của nền kinh tế. Ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế, hiện nay các ngân hàng đều có các giải pháp tổng hợp, không có giải pháp duy nhất nào để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và hấp thụ thị trường. Đến nay, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và với lãi suất hấp dẫn, kỳ vọng cầu sẽ tăng. Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giải quyết vấn đề lãi suất.

Vấn đề thứ hai là về các thủ tục, các ngân hàng cũng tiếp tục tinh chỉnh các quy trình thủ tục. Đặc biệt, MB sẽ dựa vào nền tảng ứng dụng số cho khách hàng, tập trung cải tiến quy trình để mang đến cho khách hàng các trải nghiệm tự động hóa trên các ứng dụng số.

Ngoài ra, các luật mới sau khi chính thức có hiệu lực sẽ có tác động rất lớn đến khách hàng, do đó, chúng tôi cần tinh chỉnh các quy trình, sản phẩm theo luật và các thông tư, nghị định hướng dẫn để tháo gỡ các điểm nghẽn, điểm khó.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-dung-ky-vong-tang-toc-nhung-se-kho-bung-no-153659-153659.html