Nợ của các quốc gia

Trong báo cáo về dự báo kinh tế thế giới của Diễn đàn kinh tế thế giới phát hành đầu tháng Chín năm 2022, vấn đề nợ của các nước, đặt biệt là các nước đang phát triển, là một trong ba thách thức hàng đầu thế giới sẽ phải đối diện trong tương lai.

Hiện có 53 nước đang phát triển có dấu hiệu mất khả năng trả nợ, hoặc có nợ không bền vững (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Ảnh minh họa, nguồn: pix4free.org

Hiện có 53 nước đang phát triển có dấu hiệu mất khả năng trả nợ, hoặc có nợ không bền vững (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Ảnh minh họa, nguồn: pix4free.org

Đúng như vậy, nợ quốc gia đang là gánh nặng cho các nước đang phát triển.

Nếu như trong thập kỷ 2010-2019, nợ của các nước đang phát triển chỉ tăng 1,9% mỗi năm thì đến năm 2020 tổng nợ của 70 nước đang phát triển, chiếm đại đa số các nước đang phát triển đã tăng 45%, có những nước nợ quốc gia tăng đến 60% trong thời gian trên.

Nguyên nhân chính cho tình trạng này là đại dịch COVID-19. Thêm vào đó là hệ thống tài chính vốn dĩ đã bất ổn làm các nước này dễ bị tác động bởi lạm phát và lãi suất cao. Đây có thể là những dấu hiệu của một khủng hoảng nợ đã bắt đầu.

Nước đầu tiên tuyên bố không còn khả năng trả nợ là Sri Lanka. Sri Lanka chìm sâu vào lạm phát, thiếu hàng hóa và các cuộc biểu tình chống chính phủ. Tính đến đầu năm 2022, tổng nợ của Sri Lanka là 12,55 tỷ đô la. Sri Lanka phải trả dịch vụ nợ là 4 tỷ đô la, trong khi dự trữ ngoại tệ chỉ có 2,31 tỷ đô la, hụt 1,7 tỷ đô la.

Chính phủ và Ngân hàng trung ương Sri Lanka đã không sớm nghe lời chuyên gia, lãnh đạo đảng đối lập và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Không những thế, chính phủ đã tăng ngưỡng chịu thuế, làm giảm 35,5% số người đóng thuế; giảm thuế giá trọ gia tăng còn 8%, giảm thuế thu nhập công ty từ 26% xuống còn 24%. Ngân hàng trung ương đã in và đưa vào lưu thông khối lượng tiền mặt lớn, gây lạm phát cao.

Hơn nữa, do tác động của đại dịch COVID-19, 150.000 người Sri Lanka phải về nước, làm số tiền ngoại tệ chuyển về giảm mạnh. Số tiền gửi còn giảm mạnh hơn do chính sách duy trì tỷ giá chính thức, trong khi tỷ giá thị trường tự do đã thay đổi. Cuối cùng và không kém phần quan trọng là xung đột Nga-Ukraine đã thu hẹp thị trường xuất khẩu chè và khách du lịch vào Sri Lanka.

Tiếp đến phải nói đến Bangladesh. Tính đến năm 2021, nợ của Bangladesh là 60,15 tỷ đô la, tăn 9,02 tỷ đô la so với năm 2019 trong khi các chỉ số khác giảm. Dự trử ngoại tệ chỉ còn 39,67 tỷ, giảm 6 tỷ so với năm 2020; tiền ngoại tệ gửi từ nước ngoài về giảm 5% chỉ còn 1,84 tỷ đô la. Thâm hụt cán cân vãng lai tăng từ 2,78 tỷ đô la năm 2020 lên 17,2 tỷ đô la năm 2021.

Nhiều nhà kinh tế lo rằng nhiều nước đang phát triển trên thế giới sẽ theo gót Sỉ Lanka và Bangladesh. Đó là Ai Cập, Argentina, Ecuador, El Salvadore, Ethiopia, Ghana, Kenya, Pakistan, Tunisia…. Theo các nhà kinh tế thì hiện có 53 nước đang phát triển có dấu hiệu mất khả năng trả nợ, hoặc có nợ không bền vững (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế).

Điều đang lo ngại là thông thường nợ của các nước này được tính bằng đô và hiện tại đồng đô la lại tăng giá làm cho gánh nặng nợ càng nặng hơn.

Với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho rằng nợ ở mức không thấp nhưng kinh tế hiện đang phát triển cao, cán cân thương mại vẫn ở mức thặng dư là khoảng 16 tỷ đô la. Để tránh được những gì đã xảy ra ở các nước khác, Việt Nam cần bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiếm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm và lao động… Có những chính sách đúng đắn, chúng ta có thể vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch, đưa đất nước phục hổi và phát triển kinh tế.

Trong vấn đề này, bài học của các nước đang phát triển sẽ rất có ích.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//no-cua-cac-quoc-gia-179221006090818965.htm