Nợ doanh nghiệp toàn cầu giảm vì chi phí vay tăng cao

Nợ doanh nghiệp trên toàn cầu lần đầu giảm trong 8 năm qua vì chi phí vay tăng cao không khuyến khích các khoản vay mới. Thêm vào đó, dòng tiền mặt dồi dào tích lũy được trong những năm chính sách tiền tệ nới lỏng đã giúp các doanh nghiệp trả bớt những khoản nợ hiện tại.

Thông tin trên có trong một báo cáo nghiên cứu 900 doanh nghiệp lớn trên thế giới được công bố hôm qua (6-7).

Nhờ lãi lớn trong năm qua, các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lần đầu tiên giảm nợ tổng nợ ròng của họ kể từ năm 2014. Ảnh: Reuters

Báo cáo nghiên cứu của Công ty đầu tư Janus Henderson, có trụ sở ở London (Anh), ghi nhận, tính đến tháng 3-2022, tổng nợ ròng của các doanh nghiệp trên toàn cầu giảm 1,9%, xuống còn còn 8,15 ngàn tỉ đô la Mỹ, đánh dấu năm suy giảm đầu tiên kể từ năm 2014.

Con số này dự kiến sẽ giảm tiếp 270 tỉ đô la (3,3%) trong năm tới trong bối cảnh các doanh nghiệp thận trọng hơn với lãi suất đang tăng cao hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Báo cáo của Janus Henderson ghi nhận tổng lợi nhuận hoạt động của 900 doanh nghiệp hàng đầu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 3,36 ngàn tỉ đô la trong năm tài chính 2021-2022, giúp họ có nguồn tiền đầu tư, chi trả cổ tức cao, mua lại cổ phiếu cũng như trả lãi và nợ gốc.

Seth Meyer, Giám đốc bộ phận danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Janus Henderson, cho biết: “Tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại hoặc đi đảo ngược nhưng các công ty đã làm ăn có lãi lớn trong năm qua. Vì vậy, họ có dòng tiền mặt rất dồi dào và dễ dàng trả thanh toán lãi vay”.

Trong năm qua, một nửa số doanh nghiệp (51%) trên toàn cầu trả bớt nợ và 25% doanh nghiệp trong chỉ số nợ doanh nghiệp toàn cầu của Janus Henderson không vay nợ mới. Nhóm doanh nghiệp này đang có dòng tiền mặt ròng lên đến 10.000 tỉ đô la. Một nửa trong số đó thuộc vào các doanh nghiệp lớn bao gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Samsung, Apple và Alibaba.

Trong khi xu hướng trên toàn cầu là cắt giảm các khoản vay, nợ ròng của các công ty Mỹ tăng 0,5% trong năm qua. Báo cáo của Janus Henderson cho biết, chỉ 1 trong 6 công ty ở Mỹ có tiền mặt ròng trên bảng cân đối kế toán, so với gần 1 trong 3 công ty ở những nơi khác trên thế giới.

Trong năm qua, nợ ròng của doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 6,9% lên mức 351 tỉ đô la, cao nhất trong 8 năm gần đây. Đáng chú ý, nợ ròng doanh nghiệp của Singapore tăng 16,2% từ 47 tỉ đô la lên 55 tỉ đô la. Trong khi đó, nợ ròng doanh nghiệp của Hàn Quốc tăng đến 37,8% trong năm tài chính 2021-2012.

Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã bơm hàng ngàn tỉ đô la vào nền kinh tế toàn cầu để ngăn chặn tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng trước đà sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương bắt đầu đảo ngược các biện pháp kích thích kinh tế, làm tăng nguy cơ suy thoái.

Tuy nhiên, Meyer tin rằng các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu sẽ chống chọi được thời kỳ suy thoái và sử dụng dòng tiền dồi dào để trả bớt nợ. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đang tăng nhanh, đặc biệt là ở phân phúc trái phiếu chất lượng cao. Thêm vào đó,nguy cơ kinh tế suy thoái càng khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế phát hành trái phiếu mới.

Janus Henderson cho biết, một số doanh nghiệp đang mua lại nợ của họ thay vì bán trái phiếu vay nợ mới với chi phí cao hơn, khiến vốn gốc của các trái phiếu doanh nghiệp đang niêm yết trên toàn cầu giảm 115 tỉ đô la kể từ tháng 5-2021.

Theo dữ liệu của Bloomberg, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp ở các nền kinh tế phát triển đã trả tổng cộng hơn 2.000 tỉ đô la tiền nợ mỗi năm trong 3 năm qua.

Theo Bloomberg, Reuters, Business Wire

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/no-doanh-nghiep-toan-cau-giam-vi-chi-phi-vay-tang-cao/