Nợ đọng bảo hiểm xã hội - Bài toán cần lời giải

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là quyền lợi hợp pháp của người lao động, nhất là trong các trường hợp đau ốm, hưu trí, phụ nữ thai sản... Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có nhiều doanh nghiệp trốn nợ hoặc nợ đọng BHXH kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng dường như thực trạng trên vẫn là bài toán chưa thực sự tìm ra lời giải hữu hiệu.

Kỳ I: Quýt làm cam chịu

BHXH tỉnh hướng dẫn người dân đến làm các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Quyền lợi bị xâm hại

Theo thống kê của BHXH tỉnh, Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền, huyện Thanh Ba hiện đang là DN có số nợ BHXH lớn nhất tỉnh với số nợ lên tới 16,7 tỉ đồng. Điều này khiến cho quyền lợi chính đáng của người lao động trong Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, ngành nghề kinh doanh chính là trồng, thu mua, chế biến chè xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Công ty thường xuyên chậm đóng, nợ đọng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Doanh nghiệp có hai khối công nghiệp và nông nghiệp. Khối nông nghiệp gồm phần lớn công nhân ở xã Vân Lĩnh, trong khối này người lao động đóng BHXH thông qua sản lượng chè, họ đã hoàn thành phần đóng BHXH bằng sản lượng chè cho Công ty nhưng đơn vị lại nợ BHXH khiến quyền lợi của công nhân bị ảnh hưởng. Do tình trạng nợ đọng bảo hiểm kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Cụ thể, chế độ ốm đau, thai sản của công nhân khối nông nghiệp mới giải quyết được đến tháng 6/2021, khối công nghiệp giải quyết đến tháng 11/2021.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai Thị Nhạn - công nhân Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền bức xúc: Tôi làm việc tại Công ty đã được 18 năm, trước đây Công ty đóng BHXH cho công nhân đầy đủ nhưng từ cuối năm 2021 đến nay Công ty không đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN khiến quyền lợi của người lao động bị xâm hại. Vì Công ty không đóng BHXH nên tôi sinh con mà không được hưởng chế độ thai sản.

Cũng giống chị Nhạn, chị Đào Thị Thúy, công nhân khối nông nghiệp của Công ty cũng bức xúc khi biết mình không được thanh toán tiền thai sản vì Công ty chưa đóng BHXH. Chị Thúy cho biết: Vì là công nhân khối nông nghiệp nên hàng tháng tôi và các công nhân khác đều thực hiện đóng BHXH bằng sản lượng chè tươi. Chúng tôi cũng không biết vì sao Công ty lại nợ BHXH khiến quyền lợi của chúng tôi bị ảnh hưởng. Hiện tôi đã sinh con được gần một năm nhưng chế độ thai sản tôi vẫn chưa được nhận. Cuộc sống gia đình đang rất khó khăn.

Không chỉ nợ đóng BHXH, nhiều DN còn bị phá sản khiến người lao động làm việc bao năm tại công ty trắng tay. Trường hợp của các công nhân từng lao động tại Công ty TNHH thương mại Đại Hưng, khu 6, phường Vân Phú, TP Việt Trì là một ví dụ. Do Công ty nợ bảo hiểm của người lao động đã phá sản nên mọi chế độ, chính sách bảo hiểm của người lao động vẫn chưa được giải quyết.

Chị Hoàng Thị Ngoan - công nhân từng lao động tại Công ty cho biết: “Tôi vào làm việc tại Công ty và được đóng bảo hiểm từ năm 2009. Năm 2013, tôi sinh con nhưng không nhận được chế độ thai sản. Tìm hiểu tôi được biết, suốt thời gian làm việc tại đây, Công ty mới đóng bảo hiểm cho tôi có bốn tháng (tháng 7, 9, 10, 11/2011) còn lại là không đóng nên tôi không được hưởng các chế độ trong khi hàng tháng tôi đều bị trừ lương để đóng tiền BHXH.

Chị Thúy và chị Nhạn, chị Ngoan chỉ là ba trong hàng nghìn trường hợp người lao động đang phải chịu hệ lụy từ việc nợ, trốn đóng bảo hiểm của nhiều đơn vị sử dụng lao động trên toàn tỉnh. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi được biết, hiện toàn tỉnh còn rất nhiều trường hợp người lao động phải chịu cảnh thiệt thòi tương tự như vậy. Dường như có một nghịch lý đang diễn ra ở đây là, mặc dù lỗi xuất phát từ phía các DN nhưng hứng chịu hậu quả không ai khác lại chính là người lao động đang ngày đêm làm lợi cho DN.

“Căn bệnh mãn tính”

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Thọ, một lãnh đạo của BHXH tỉnh nêu rõ, tính đến hết tháng 6/2022, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) là 124.074 triệu đồng, chiếm 2,63% kế hoạch thu, trong đó nợ BHXH 113.789 triệu đồng (nợ chậm đóng 16.337 triệu đồng, nợ đọng 8.264 triệu đồng, nợ kéo dài 51.567 triệu đồng, nợ khó thu 37.622 triệu đồng), nợ BHTN 2.254 triệu đồng, nợ BHYT 7.950 triệu đồng, nợ BHTNLĐ, BNN 81 triệu đồng.

Kể từ ngày 1/9/2019, Nghị quyết số 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc xử lý các tội danh vi phạm pháp luật về BHXH đã có hiệu lực thi hành. Theo đó, các hành vi gian lận BHXH, BHTN, BHYT và tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử lý nghiêm minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Thế nhưng tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn đang diễn ra và sẽ tiếp tục tăng thêm nếu không có biện pháp giải quyết triệt để.

Trong số 3.796 DN nợ các loại bảo hiểm có 377 đơn vị nợ từ ba tháng trở lên với số tiền 87,4 tỉ đồng. Số nợ BHXH, BHYT, BHTN tại khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỉ lệ cao với 1.022 đơn vị (nợ 62,2 tỉ đồng), chiếm hơn 50,1% số tiền nợ, 18 đơn vị thuộc khối DN nhà nước nợ 16,9 tỉ đồng, 28 đơn vị khối DN có vốn đầu tư nước ngoài nợ 39,7 tỉ đồng. Đáng chú ý là có tới 308 đơn vị không còn lao động, không hoạt động nhưng vẫn đang nợ 52,9 tỉ đồng tiền bảo hiểm các loại. Nhìn vào những con số trên cho thấy, việc cố tình nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN... kéo dài đã trở thành “căn bệnh mãn tính” tại các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và tình hình an sinh xã hội trên địa bàn.

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, không thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động như Công ty TNHH TexMart-Vina nợ 45 tháng với số tiền 5,7 tỉ đồng, Công ty TNHH SungJin Vina nợ tám tháng với số tiền 2,1 tỉ đồng, Công ty TNHH MK NOAH VINA nợ 900 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền nợ 16,7 tỉ đồng…

Ông Nguyễn Đức Xuân - Phó Giám đốc BHXH huyện Thanh Ba cho biết: Do Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền nợ đọng các khoản bảo hiểm của người lao động cao nhất tỉnh nên BHXH tỉnh, BHXH huyện đã thực hiện đôn đốc đơn vị nhiều lần nhưng đơn vị vẫn không chấp hành việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định, gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu kế hoạch của BHXH huyện cũng như chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện Thanh Ba, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết chế độ, quyền lợi của người lao động và công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Việc các doanh nghiệp “chây ỳ” nộp bảo hiểm cho người lao động thực sự là “khối u” nhức nhối, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Ông Trần Quốc Vượng-Phó trưởng phòng Quản lý thu BHXH tỉnh cho biết: Theo Điều 14 Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định thì việc khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động thuộc thẩm quyền của tổ chức công đoàn. Từ năm 2016, BHXH tỉnh đã cung cấp danh sách đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong quá trình thực hiện việc khởi kiện của tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn như hồ sơ khởi kiện phải có từng đơn ủy quyền của từng người lao động.

Kỳ II: Cần “liều thuốc kháng sinh” mạnh

Nhóm phóng viên Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/no-dong-bao-hiem-xa-hoi-bai-toan-can-loi-giai/187382.htm