Nợ làm sao trả

Thi không là dân Sài thành hoa lệ to lớn. Cũng lớn nhưng mà ở cái chợ thị trấn buồn teo. Cái năm nào đó cha má vượt biển để Thi ở lại với một bà dì. Họ hy vọng một ngày nào đó sẽ quay lại. Họ đi, đi mãi. Lúc ấy Thi mới sáu tuổi nên chờ đợi một thời gian rồi thôi. Với lại những năm tháng bo bo độn củ mì ngày ba bữa, ai hơi sức đâu mà trông với ngóng. Bẩn chật quá bà dì nổi cáu chửi Thi là đồ báo cô, đồ ăn bám. Thi phải ra thân thiếu nhi phụ giúp dì dượng trong mấy cái hầm rác Mỹ.

Tranh minh họa: PHẠM CÔNG HOÀNG

Tranh minh họa: PHẠM CÔNG HOÀNG

Cái gọi là phế liệu như vỏ đạn, cưa bom, rác Mỹ trên một chục rưỡi năm sau 75 là nơi kiếm sống của thập loại chúng sanh. Với rác rưởi nhưng mười sáu tuổi Thi vẫn xinh như hoa lài, thơm như hoa sứ. Tiền làm ra từ rác, cô phụ cho dì dượng chút chút. Dư cũng chút chút cô dùng để mua kẹp và hoa giả để cài tóc. Thuở ấy ba quân xài xà bông 65% dầu là bảnh, riêng Thi sực mùi Camay. Camay là loại xà bông dành cho những ngôi sao thế giới, nhập lậu vào xứ ta bởi quý ông xe tải đường dài. Ở thị trấn Thi sinh sống có một trà đình tên Dạ Khúc. Chủ quán tên Khanh. Khanh quen biết nhiều nên trà đình bán cả cà phê pha phin mà chả ai bắt bẻ. Thuở ấy cà phê cũng là dạng xa xỉ phẩm. Thi ghé trà đình chơi với chị Khanh được chị cho uống cà phê sữa đá. Một ngày nọ nốc một hơi gần hết một ly, Thi ngủ một giấc dài sòng sọc. Tỉnh dậy mới hay chị Khanh bán Thi cho một anh xe tải đường dài. Thi khóc thôi là khóc nhưng anh xe tải ôm Thi rằng thì là anh yêu em... Anh sẽ lo cho em từ a đến â.

 trong tiếng Việt có hai cách diễn đạt.  và ơ sắc ớ. Anh xe tải đường dài đúng cái nghĩa nhất giao thông nhì hàng hải, anh lo cho Thi được hai tháng rồi dông một hơi không tăm dạng. Thi ơ sắc ớ đờ ơ đơ sắc đớ lưỡi. Sau hai tháng được nâng như trứng hứng như hoa. Ăn rồi chỉ làm đẹp là chính, Thi quen mất nết đi rồi và chị Khanh đâu có dư hơi dư tiền mà cung phụng. Chị trở mặt cái ào khi Thi từ chối đi chơi với một quan anh thị trấn. Khổ cho chị lắm. Quan anh thích mà không chiều thì phục hồi nhân phẩm luôn chứ đóng cửa quán là chuyện nhỏ. Cả đám em trong quán mà anh chỉ thích một Thi thì có khổ cho chị không? Thi không chịu hả? Không thì xéo mẹ nó khỏi quán tao.

Không chồng nên Thi di dọc đi ngang đi từ đông sang tây, nam bắc chi đi hết. Vậy là sa bước phong trần.

Cô kể với tôi vậy.

Ở bãi vàng. Thi dưới trướng của chủ chứa Năm Tằm. Ai từng lăn lê bò toài trên bãi vàng chắc biết không khí hừng hực mùi sương gió của nó. Mùi sương gió là mùi chi? Xin thưa, đó là những niềm vui, nỗi buồn, sầu hận. Cái chết và sự sống hòa vào nhau. Thì ở đâu mà vui buồn sầu hận sống chết không cùng nhau sánh bước? Vâng. Thấy vậy mà không phải vậy bởi, những thứ vừa nêu ở bãi vàng khác xa đời thường. Vui ở bãi rất thái quá. Bãi Suối Nho Xuân Bắc là một điển hình. Thiên hạ đốt pháo hai bốn trên bảy. Trúng đốt chả nói chi mo cũng đốt. Đốt cho vui chứ chả vì lý do chi sất. Buồn thì nẫu ruột nẫu gan. Bãi vàng Hiếu Liêm là một thí dụ. Chết vài chục mạng vì sập hầm thì buồn “ba thu dồn lại một ngày dài ghê” chứ chả ít hơn. Những bãi vàng như Sông Hinh thuộc Tuy Hòa, Eezimba ở Phú Bổn, Tà In thuộc Lâm Đồng vân vân và vân vân luôn dày đặc người. Có những thứ có thể không có ở xuôi nhưng trên bãi là có tất. Nhất hạng là chửi thề. Bốn phương tám hướng bên bàn nhậu không đù má đù cha là không phải giang hồ. Xét cần chơi tất không cần giày bởi ta là cầu thủ chân đất.

Tôi cũng là một thứ giang hồ vặt, cơm chưa sôi đã nhớ nhà nhưng, nhớ chỉ để mà day dứt chứ về thì tiền đâu? Ai cũng tưởng ở bãi vàng là có vàng chứ nào biết vàng trong đá và đãi ra mảnh bom là thường. May mà tôi đó đây trên các bãi nên biết cách sống sao cho phải đạo. Làm người ở bãi không biết đạo dễ chết lắm. Dựa thế dân sở tại - tức cha chú địa phương - hiếp tha phương là ngu nhất trần đời. Nay bãi này mai bãi khác nhỡ gặp lại, tha phương nó xin tý huyết là chuyện nhỏ. Để chơi được với tất cả phải biết đạo. Đạo ban phát niềm tin cho chúng nhân còn mua được bằng tiền thì đạo giang hồ mua bằng chi? Tiền? Không đâu. Tiền đâu mà mua tha phương và lũ gà gần chuồng. Đạo giang hồ phải mua bằng uy. Uy nghĩa là chơi tất không cần giày.

Không nơi nào bạo phát bạo tàn cho bằng bãi. Khi phát nó lôi con người ta đến cả vài nghìn chứ nghìn là thường. Và khi lụi là hoang tàn đến cô quạnh. Khi cô quạnh thì buồn thay cho kẻ mo trắng. Mo đến độ không có cả tiền xe mà về với vợ con. Thằng tôi đã từng lâm cảnh cơ hàn vào một mùa Tết đến ở bãi X. Thiên hạ lũ lượt về. Không có gì cũng về với vợ con dưa mắm qua ngày. Còn tôi không đả động nên chủ chứa Năm Tằm hỏi:

- Mày sao Minh Tàn? Về hay ở nói tao tính.

- Ở.

- Vậy coi quán giùm. Gạo khô khan mắm muối và rượu cho mày đủ từ bây giờ đến mùng chín tao vô. Được không?

- Ô kê.

Thi cũng nói:

- Tui ở lại luôn má Năm ơi.

- Mày điên hả? Tết nhứt thị trấn làm ăn được, ở đây mà tế bà nội mày à?

- Kệ tui đi. Tui chán thị trấn rồi. Em ở lại được không anh Minh?

- Tùy - Tôi trả lời.

Tôi là khách quen của Năm Tằm quán. Thông cảm đi bạn ơi. Đàn ông đàn ang xem bãi là nhà thì trăm thằng như một. Vài tháng trên bãi, cá biệt, cả năm như tôi không đàn bà sao được. Về gái gú, bọn bốn phương xong cuộc rồi đánh tháo là thường. Lấy tiền trước thì chúng nó ai xù mà sợ. Có thằng tôi ngồi uống rượu trong quán chúng cũng e. Không có tôi Năm Tằm nói: “Thằng Minh Tàn nó đập chết mẹ tụi bây chứ cà chớn à... Bãi này Phú Khỉ Đột còn kêu nó bằng anh kìa”. Tôi không bảo kê bảo kiếc chi nhưng uy cũng có một chút. Để kể cho nghe cái chút của một lần nọ. Một tay chơi thứ thiệt địa phương chuyên gia ăn vùa thua giật, ghé nhà thổ chơi chùa là chủ chứa chịu sầu. Vào tiệm vàng dã chiến hắn xin năm phân không cho là xem như miễn mua bán gì sất. Ở bãi, quán xá và nhà chứa thì nhờ lục lâm bảo kê. Tiệm vàng và hầm hố thì nhờ vào công quyền. Tiệm vàng nào hầm nào cũng luôn có phần hùn của một anh có chức vị. Nhưng đàn anh địa phương chả sợ chi sất. Họ tới luôn bác tài. Với lại quý anh chỉ xin chứ có cướp đâu mà tội với lệ. Một lần chủ hầm về nhà nhờ tôi coi giúp một tuần. Coi ngó ở đây nghĩa là, bổi dưới hầm ca đánh được bao nhiêu là tôi quản lý. Dân đánh ca ma mãnh lắm. Trúng luồng bổi đậm vàng họ giấu một hai xô, thậm chí cả bao là thường. Không tinh thông những tinh ranh quỷ quyệt của tha phương là chủ hầm phá sản như bỡn. Bổi xay xong đem xuống hố sái để đãi, dân chơi hốt sái nhất trong mâm cho vô giày ống để ăn riêng là thường. Tôi mà đã đưa mắt coi thuê cho ai đó thì, ma mãnh cỡ nào cũng chắp tay thưa anh liền một khi.

Địa phương không sợ. Các anh đến và:

- Tao lấy hai bao bổi nghe Minh Tàn, chủ hầm lên cứ nói Dũng Voi lấy.

Tôi lấy cái bình toong nhựa của Mỹ đặt lên đống bổi. Chả là lúc lên bãi tôi có làm thuê trong một tiệm vàng dã chiến. Công việc chính là phụ phân kim. Lấy nước heo đổ vô thau nhựa, cho vô hai ký đinh mười phân rồi đổ vào chừng ba lít acid chloric đậm đặc. Cứ thế mà lắc cho đến khi đinh tiêu ra nước. Khi rời tiệm vàng tôi ăn cắp đầy một bình toong nhựa của Mỹ loại một lít để phòng thân. Tôi mở nắp đổ acid chloric lên bao bổi. Nhìn khói trắng bay nghi ngút Dũng Voi trố mắt. Nó hỏi:

- Cái đéo gì vậy?

- Acid chloric đậm đặc đó - Tôi trả lời.

Chỉ vậy mà cả bọn biến mất tang.

Hai chín Tết bãi chỉ còn lại một tôi và Thi. Chiều xuống hai tôi rót rượu từ bình hai chục lít ra chai. Rồi ra ly. Nào... dzô... đời đẹp đến thế chứ sao nữa bây giờ? Tới bến rồi ta chui vô mùng ôm nhau ngủ. Nửa đêm về sáng trong rừng nguyên sinh... mẹ cha ơi... lạnh ơi là lạnh. Chỉ ái tình mới xua được cái lạnh của rừng đêm. Cả tôi cả Thi choàng thức và... Nghề nào cũng có cái bệnh của nó - không xù đâu mà lo - tôi nói với Thi khi cô nói qua Tết trả cho tui về quê nghe cha nội. Cứ thế cứ thế và cứ thế rồi cũng hết thế. Gì mà chả ớn.

- Hỏi thiệt nghe - Tôi nói sau khi tợp đúng một ly xây chừng.

- Hỏi đi.

- Sao không theo mụ Năm về thị trấn?

Thi cũng một nửa ly:

- Chán chớ sao.

- Tết nhất mà chán phố phường ai tin hả em? Có gì nói anh Minh Tàn lo cho.

Thi yên lặng suốt. Nhưng rượu vốn có tính chất rất đặc biệt. Nó làm cho con người ta phóng khoáng hơn, gan góc hơn và rất thật:

- Em ngại gặp anh em Long Hắc với Hổ Hành.

Tôi gật gù. Long đen nhẻm nên gọi Long Hắc. Long và Hổ là con trai chủ hầm tên Hành. Chuyện gái gú trên bãi thì ai mua em bán chứ luận chi cha con. Làm cái kiếp mà “sống làm vợ khắp người ta, khéo thay chết xuống làm ma không chồng” thì tới đâu hay tới đó. Bọn giang hồ xâm trên ngực rằng “khi tôi chết ai người xây nấm mộ cỗ quan tài ai khóc tiễn đưa tôi” gái gú thì “địa ngục là nơi an nghỉ ngàn thu”. Hỏi thêm phiền. Không ai rảnh hơi để trả lời họ. Chả hiểu làm sao chủ hầm Hành lại đắm đuối Thi. Vợ chết sớm một mình gian khó nuôi bầy con bốn đứa... bãi vàng bể ra, Hành được ơn trên phò hộ trúng được một mớ nên hóa chủ hầm. Có dư có để nên xuân tình sống lại chăng? Chắc rồi. Giang hồ có câu “một đời chơi bông chơi hoa, một đời kiết cú cũng qua một đời”. Có tiền ngu sao không chơi. Hành ghé Năm Tằm quán và đắm đuối em Thi. Lên bãi Thi tuy tàn, nhưng có tàn vẫn cứ là hoa lài hoa sứ chứ không là Minh Tàn.

Nếu lão Hành không chết trăm phần trăm Thi là bà Hành:

- Mắc gì ngại anh em Long Hổ? - Tôi hỏi.

- Biết sao ông Hành chết không?

Thi rằng lão Hành đưa cô về thị trấn ghé khách sạn, ngủ nệm cho êm lưng chứ trên bãi, sạp lô ô bổ sịa đau lưng chết ông bà cố tổ. Vậy rồi “khi chén rượu khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên...” sau đó “yêu nhau đi đời đâu có nghĩa chi, yêu nhau, ta trao nhau, đôi môi tươi với những nét cười...” gần sáng Thi thức giấc vì nghe bên mình lạnh toát. Cái lạnh của thây ma. Ra là lão Hành chết ngắc con mẹ nó rồi. Thi vội rời khách sạn biến ngay lên bãi.

- À... ra thế - tôi nói - Chủ khách sạn không biết à?

- Em không biết.

- Lỡ anh ngủ với em xong lăn ra chết thì sao hả Thi?

- Đừng nói bậy cha nội... nhưng... em chết anh làm sao?

- Thì vác em quăng xuống hầm hoang chứ sao.

Thấy Thi đăm chiêu tôi nói:

- Không sao đâu mà em lo, nếu có sao là đã sao rồi. Một già chơi trống bỏi ngủ khách sạn chết vì trúng gió độc là thường có chi mà sợ. Long Hắc, Hổ Hành là dân khôn nhà chứ chợ ngu chết bà. Bọn nó có biết em và lão Hành ở khách sạn cũng chả làm được chi. Em ở với anh mười nó cũng không dám rớ. Với lại hai thằng nó cũng muốn cha chết từ khuya rồi. Lão chết là gia tài anh em nó hưởng hết. Anh nói em nghe kịp không?

Nghe tôi nói và nhờ có ba xị đế nên Thi yên tâm. Và, ở bãi hay bất cứ đâu trên trần gian này khi lâm thế cùng con người ta ai cũng lâm sầu hận và chán nản. Đàn bà ư? Ôm riết ai chẳng chán. Không chán thì ba quân lấy đâu ra câu “chán cơm thèm phở” mà bố láo? Vậy là tôi vác xà beng, cuốc chim xuống chân đồi chui vô những hầm cạn cóc cách kiếm tí bổi. Dân đánh ca như tôi không lợi dụng thời cơ nước đục thả câu là dại. Hầm sâu một thân một mình không dám chứ cạn thì pha. Kẹt cái, hầm dưới chân đồi đá thạch anh ngậm vàng đã thưa thì chớ còn mỏng lét và dai nhách. Đánh từ sáng tới trưa mới được một xô bổi. Thấy tôi tay xách vai vác về chòi Thi mừng ơi là mừng. Mừng đến bật khóc:

- Gì vậy? Sao khóc? - Tôi hỏi.

- Một mình em sợ quá. Sợ muốn chết luôn anh ơi. Có đi đâu anh cho em theo với. Nghĩ sao mà để em một mình. Khỉ nó nhát sợ quá Minh Tàn ơi.

Ở rừng cao và sâu người đang cả nghìn đột ngột vắng tanh vắng ngắt. Khỉ nai cheo chồn cáo trở về là phải quá. Nhìn cô khóc tôi nhận ra mình độc ác. Khóc còn may chứ chết vì sợ dám có lắm. Tôi nhìn bốn phía của nguyên sinh và nhận ra mình thật nhỏ bé và đơn độc trước thâm u của đại ngàn. Lại rượu và ôm nhau ngủ. Thi rủ rỉ bên tai tôi bài hát của Phạm Duy “Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình, trời lạnh quá trời lạnh quá sao đành bỏ em một mình. Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình, chiều lộng gió chiều lộng gió sao anh đành bỏ em. Lời nào đó, lời nào đó, tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh”... Đêm lạnh, giọng hát nhừa nhựa mềm mềm trầm mặc buồn buồn. Tiếng hát làm tôi nghe lòng chùng lại. Chùng xuống thật sâu và chìm nghỉm trong niềm đơn độc.

Suốt một tuần Thi theo tôi xuống chân đồi. Tôi bên trong lấy bổi cô sau lưng không hát thì kể chuyện đời xưa. Bổi đầy bao tôi đưa xuống nhà máy chà và tự biên tự diễn. Bãi X có ba nhà máy chà đá. Khi về, chủ quăng máy lại mặc kệ ra sao thì ra. Đương nhiên là an toàn bởi chả có thằng trộm nào ngu ở lại núi rừng để chôm cỗ máy nặng cả tạ ngoài. Tôi quay ma-ni-ven những ba lần máy mới nổ. Đang yên ắng tiếng D22 ầm ầm vang lên. Bùng bùng bùng... bùng bùng bùng... nghe sao mà lạ lẫm... tiếng động loang khắp rừng. Loang ra... nhưng, tiếng động ấy cũng có màu của đơn độc... Những vài phút sau tôi mới mới quen với “tiếng của cô độc” và - cũng như tôi - sự ngạc nhiên trong mắt Thi dần dần bay đi.

Sự yên ắng trở lại - nghĩa là - sự yên lặng vốn dĩ hay, sự cô đơn muôn thuở của rừng sâu trở lại khi tiếng máy tắt và bao bổi được xay xong. Tôi và Thi nhìn nhau để cảm nhận điều không thể hiểu được của sự lặng yên. Lâu thật lâu tôi mới mở nắp cối để lấy bổi đã xay và xuống hố sái để đãi. Sái nhất, tức là phần đọng lại ở chóp nhọn đáy mâm, từng dúm một được đổ vào tô. Tô sái ấy lại đổ vào mâm và thủy ngân cho vào, quay mâm cho thật đều thật kỹ để thủy ngân ăn sạch vàng trong sái, sau đó dùng ngón tay trỏ chắt thủy ngân ra để vàng vón cục. Bỏ cục vàng đã cô vào chén đất. Lại cóc lại khò lại hàn the - sao cho - thủy ngân bay đi vàng đọng lại một cục. Không. Một viên. Tôi ước lượng:

- Chắc cú một chỉ.

Rồi đưa cho Thi:

- Phần em ba phân. Bảy phân còn lại anh trả nợ tình cho em.

- Em lấy năm phân thôi.

- Em giữ hết đi. Minh Tàn chơi chịu nên rất là chịu chơi.

***

Nhưng sự đời lắm khi thấy vậy mà không phải vậy. Mồng chín Tết, bãi bắt đầu khởi sắc. Sự đông vui bắt đầu. Dòng người lên bãi có mặt của bà xã tôi. Một năm ròng, cả Tết cũng không về, chả vợ nào không nước mắt lưng tròng. Với tôi chuyện về không khó nhưng thất bại cứ theo như bóng với hình, hết này đến khác... Tôi đã phải gửi vợ và con nhờ bên vợ chăm hộ. Không có, về làm gánh nặng chả nhục nhã lắm ru?

Bà xã khóc bởi xa chồng thì chớ con lại đang bệnh:

- Em ráng ở với anh vài bữa - tôi nói - anh đánh một ca kiếm chút đỉnh rồi về.

Hoa lài hoa sứ Thi liền đưa tay cứu độ:

- Con bịnh mà chờ đợi gì cha nội. Không nghe câu cứu nhân như cứu hỏa à?

Rồi cô lôi viên vàng trong ngực áo ra:

- Cho ông mượn. Làm có thì trả lại cho tui.

Phải chi trả được chỉ vàng cho Thi thì hay quá. Đằng này, một tháng sau, cái hầm có tên Tổng kho ở bãi bị sập, công quyền ập vào đuổi tất cả khỏi bãi. Tôi một phương, Thi một hướng chả biết đâu mà lần cho đến tận hôm nay.

Nợ cả tình lẫn tiền thế này biết tới kiếp nào trả được hỡi ai ơi...

Truyện ngắn của Nguyễn Trí

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/no-lam-sao-tra-3168499/