Nỗ lực bảo đảm an ninh mạng quốc gia

Theo báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa công bố, trong vòng hai năm, Việt Nam tăng từ vị trí 50 lên thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Diễn tập quốc gia về ứng phó với sự cố an toàn thông tin (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Đây là con số đáng mừng, song bảo vệ an toàn, an ninh mạng là bài toán khó và lâu dài, Việt Nam không thể chủ quan mà cần phải nỗ lực hơn nữa để duy trì thứ hạng cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc về an ninh mạng.

Bước nhảy vọt của Việt Nam về xếp hạng an toàn, an ninh mạng (ATANM) là nhờ nỗ lực lớn, thể hiện qua quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo đảm ATANM; nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) theo mô hình 4 lớp; nỗ lực của cơ quan quản lý để có hành lang pháp lý đầy đủ về an ninh mạng; sự phát triển của các doanh nghiệp ATANM, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp viễn thông.

Trong năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã đưa tỷ lệ bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp từ 0% năm 2019 lên 100% vào cuối năm 2020. Cùng với đó, Việt Nam cũng sớm có chương trình, đề án phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực ATANM và xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm ATANM “make in Vietnam”.

Đánh giá xếp hạng ATANM toàn cầu dựa trên 5 trụ cột chính, bao gồm: Pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực, hợp tác. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, muốn cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực ATANM quốc gia. Cụ thể như: Liên quan tới trụ cột tổ chức, cần tiếp tục ban hành và triển khai các chiến lược, kế hoạch quốc gia về ATANM. Kiện toàn bộ máy quản lý, thực thi từ Trung ương đến địa phương cho lĩnh vực này. Về trụ cột nâng cao năng lực, cần triển khai các chương trình đào tạo, tuyên truyền, tập huấn về ATANM cho nhiều đối tượng và phạm vi khác nhau trong toàn xã hội; đồng thời phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc, nâng cao năng lực ATANM Việt Nam...

Chia sẻ về những định hướng sắp tới nhằm bảo vệ hoạt động trên không gian mạng cho các cơ quan, tổ chức, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, liên quan tới triển khai mô hình bảo đảm ATTT 4 lớp, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát triển, củng cố từng lớp. Lớp thứ nhất tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực của lực lượng tại chỗ, tức là nhân lực thực hiện việc quản trị, vận hành hệ thống thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Từ đó, giúp lực lượng này có thể thích ứng, làm chủ và không bị động trước các cuộc tấn công mạng. Lớp thứ hai cần phát triển trung tâm điều hành an ninh (SOC) theo mô hình tăng trưởng do Bộ TT&TT công bố. Lớp thứ ba là tăng gấp đôi số lần kiểm tra, đánh giá ATTT và kịp thời khắc phục những điểm yếu, lỗ hổng. Lớp cuối cùng là kết nối, chia sẻ thông tin giám sát đầy đủ với hệ thống giám sát quốc gia. Ngoài ra, Bộ TT&TT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức triển khai hình thức quản trị rủi ro ATTT. Dự kiến, bộ sẽ có văn bản hướng dẫn này trong quý IV.

Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm ATANM nội địa, cho phép nước ta có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp ATANM. Tính đến nay, doanh nghiệp nội địa đã phát triển và làm chủ được 91% chủng loại sản phẩm ATANM bảo đảm ATTT cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm do doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất vẫn phải chịu sức cạnh tranh lớn với sản phẩm nước ngoài.

Trước thực tế trên, Cục ATTT đã xây dựng Phòng Nghiên cứu, phát triển (R&D) về ATANM. Cục ATTT sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ TT&TT thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Cụ thể như, tổ chức triển khai bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, sản phẩm nội địa. Đồng thời, thúc đẩy cơ chế tăng nguồn chi đầu tư cho ATANM trong cơ quan nhà nước lên 10% tổng chi cho ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, sự hợp lực của các doanh nghiệp an ninh mạng trong nước là yếu tố duy trì sức mạnh trong lĩnh vực ATANM, bởi khi các doanh nghiệp có thể liên minh với nhau, nguồn lực nghiên cứu, sản xuất sẽ được phân bổ hợp lý và tối ưu.

Để giải quyết các thách thức về an ninh mạng, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới vai trò của hợp tác công tư giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, đơn vị nghiên cứu và sản xuất các giải pháp bảo mật. Sự hợp tác này sẽ phát huy thế mạnh mỗi bên để thống nhất chung nhận thức và phối hợp hành động nhằm giải các bài toán quốc gia về ATTT, giảm các nguy cơ, mối đe dọa trực tiếp vào không gian mạng Việt Nam.

P.V (theo QĐND)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/khoa-hoc/189710/no-luc-bao-dam-an-ninh-mang-quoc-gia