Nỗ lực bảo vệ cây trồng, vật nuôi
Toàn tỉnh có gần 15,3 nghìn con heo bị chết và tiêu hủy do mắc dịch tả heo Châu Phi và nhiều diện tích cây trồng bị nhiễm sinh vật gây hại. Vì vậy, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và người dân nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.
Chủ động giám sát
Vụ hè thu 2025, toàn tỉnh gieo sạ trên 43 nghìn héc ta lúa (lúa trà chính trên 22,3 nghìn héc ta), gần 82 nghìn héc ta cây cao su, gần 31,4 nghìn héc ta cây cà phê, trên 45,4 nghìn héc ta mì, gần 15,7 nghìn héc ta cây ăn quả và trên 25 nghìn héc ta rau đậu... Hầu hết các loại cây trồng đang ở giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Tuy nhiên, hiện có khoảng 15,8 nghìn héc ta cây trồng các loại bị nhiễm sinh vật gây hại, chủ yếu là chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, sâu keo mùa thu, khảm lá vi rút mì, chết héo cây keo...

Ông Nguyễn Văn Thảo, ở thôn Ngọc Sơn, xã Thiện Tín "mặc áo" bảo vệ cho quả bưởi. Ảnh: MỸ HOA.
Tuy nhiên, nhờ sự chủ động trong công tác dự báo và phòng trừ, xử lý nên hầu hết diện tích cây trồng bị nhiễm ở mức độ nhẹ, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phường Kon Tum Trần Thị Thúy cho biết, song song với việc thông tin thường xuyên và liên tục tình hình sâu bệnh, chúng tôi tích cực hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, ngừa. Vì vậy, các loại cây trồng bị nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn các phường Kon Tum và các phường Đăk Cấm, Đăk Bla và các xã Ia Chim, Ngọk Bay, Đăk Rơ Wa được phát hiện và xử lý kịp thời, hầu hết mức độ nhẹ.
Đối với vật nuôi, dịch tả heo Châu Phi xuất hiện tại 2.345 cơ sở của 301 thôn ở 37 xã, phường; làm chết và tiêu hủy bắt buộc gần 15,3 nghìn con (tổng trọng lượng gần 850 tấn). Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đỗ Văn Chung cho biết, dịch tả heo Châu Phi xuất hiện chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi lực lượng thú y cơ sở mỏng nên việc theo dõi diễn biến và cập nhập tình hình, điều tra dấu hiệu lâm sàng đôi lúc chưa kịp thời.

Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc ở phường Kon Tum. Ảnh: ĐỨC THÀNH.
Trước tình hình trên, chi cục đã thành lập 8 nhóm công tác với 24 cán bộ có kinh nghiệm xử lý ổ dịch đến các xã, phường để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi; tiếp nhận và nắm bắt tình hình dịch tại các khu vực giáp ranh để ứng phó kịp thời. Xuất cấp 2.400 lít hóa chất khử trùng, 1.700 liều vắc xin dịch tả heo Châu Phi để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổ chức 2 lớp tập huấn cho 84 người là công chức phòng kinh tế, viên chức Trung tâm Cung ứng dịch vụ công thuộc 56 xã, phường, đặc khu về biện pháp điều tra, thu thập thông tin và xử lý ổ dịch, kỹ thuật lấy mẫu, gửi mẫu bệnh phẩm.
Ngăn chặn từ gốc
Công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi đã và đang được hệ thống chính trị các địa phương vào cuộc mạnh mẽ. Tại xã Đình Cương, ngay khi xuất hiện ổ dịch tả heo Châu Phi đầu tiên (ngày 3/7), xã cử cán bộ phối hợp với ngành chuyên môn đến từng thôn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống. Đối với heo ốm, chết, xã đã cử lực lượng hỗ trợ người dân thu gom, tiêu hủy theo quy định.
Chủ tịch UBND xã Đình Cương Lê Anh Văn cho biết, nhờ triển khai đồng bộ giải pháp chủ động giám sát, kiểm soát vận chuyển và tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng thời xây dựng chi tiết các phương án ứng phó nên các ổ dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn xã đã được kiểm soát.

Lực lượng chức năng xã Đình Cương thu gom, vận chuyển heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi đến nơi tiêu hủy. Ảnh: MỸ HOA.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch tả heo Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan do nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ động vật và sản phẩm từ heo; đặc biệt là một bộ phận hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch, thậm chí có biểu hiện che giấu hoặc bán tháo heo ốm, chết.
“Hiện, chi cục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm dịch tại Trạm Kiểm dịch động vật ở xã Bình Sơn và phường Sa Huỳnh; kiểm tra giám sát hoạt động buôn bán heo tại các chợ dân sinh và cơ sở thu gom, giết mổ nhỏ lẻ. Cùng với đó, chi cục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng các loại bệnh trên đàn vật nuôi, tránh tình trạng “dịch chồng dịch”, ông Chung thông tin.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã triển khai tiêm gần 753 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm; trên 58,8 nghìn liều vắc xin viêm da nổi cục, gần 118,8 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng gia súc. Đồng thời xuất cấp gần 14,3 nghìn lít hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1/2025.

Lực lượng chức năng xã Mỏ Cày phun thuốc khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: MỸ HOA
Đối với cây trồng, đề phòng nguy cơ các loại dịch hại bùng phát, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên điều tra, theo dõi diễn biến tình hình dịch hại, chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực triển khai những biện pháp phòng, trừ.
Đồng thời khuyến cáo người dân bón phân cân đối và hợp lý đối với từng loại cây trồng, tích cực thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh ngay khi mới phát hiện, để tránh lây lan trên diện rộng. Qua đó góp phần hạn chế sâu bệnh lây lan ra diện rộng, giảm thiểu các thiệt hại về năng suất và chất lượng nông sản.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phường Kon Tum hướng dẫn người dân phường Đăk Cấm theo dõi, chăm sóc bảo vệ lúa hè thu 2025. Ảnh: ĐỨC THÀNH.
"
BOX: Người chăn nuôi cần tuân thủ nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dịch tả heo Châu Phi. Đó là, không giấu dịch, không mua bán heo bệnh, không giết mổ heo bệnh, không vứt xác heo bừa bãi, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Các hộ chăn nuôi cần kê khai đầy đủ thông tin tổng đàn, ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, tiêm phòng bổ sung vắc xin... UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật chết ra môi trường.
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/no-luc-bao-ve-cay-trong-vat-nuoi-54979.htm