Nỗ lực bảo vệ hiệu quả học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma túy
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống ma túy.
Báo cáo sơ kết 5 năm tuyên truyền phòng, chống ma túy, Đại tá, TS Ngô Gia Bắc, Trưởng Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm (CSPCTP) về ma túy, Học viện CSND cho biết: Từ năm 2017, Ban Giám đốc Học viện CSND đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy (PCMT) cho học sinh, sinh viên (HSSV) các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội. Trên cơ sở đó, Học viện CSND đã giao Khoa CSPCTP về ma túy là đơn vị thường trực tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy từ năm 2018 đến nay. Trong 5 năm qua, Học viện CSND đã tổ chức trên 525 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy với gần 340.000 người thuộc nhiều thành phần, tại nhiều địa phương tham gia.
Nội dung tuyên truyền PCMT tập trung vào việc phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác PCMT; tuyên truyền về đặc điểm, dạng tồn tại, hậu quả tác hại và cách nhận biết các chất ma túy cũng như các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm, tập trung vào các thủ đoạn rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, tổ giác các hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy...
Đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCMT đa dạng với trên 300.000 HSSV, đoàn viên, tham gia; trên 40.000 quần chúng nhân dân là các hội viên hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học tham gia...
Tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, với lực lượng khoảng 22 triệu HSSV hiện nay, đây đang là mục tiêu mà các đối tượng tội phạm ma túy tấn công, lôi kéo. Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Ma túy thẩm lậu vào trường học đã tạo ra nhiều nỗi đau cho các gia đình. Hiện nay, nguy cơ này đang quay trở lại với nhiều hình thức đa dạng, tinh vi. Trong khi đó, việc phát hiện sớm là rất khó đối với cả học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh…
Qua báo cáo của ngành Công an cho thấy, đây là thực trạng đáng lo ngại, cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn, lành mạnh môi trường học đường. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành triển khai công tác tuyên truyền giáo dục về PCMT trong học đường và đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều mô hình hay đã được lan tỏa trong cộng đồng…
Thượng tá, TS Bùi Ngọc Phong, Phó Trưởng Khoa CSPCTP về ma túy, Học viện CSND cũng cho rằng, công tác này cần tiếp tục có những đổi mới, trong đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cần tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành kế hoạch tổng thể về truyên truyền, phổ biến pháp luật trong CAND, từ đó tạo tiền đề để Học viện CSND và các trường CAND làm tốt hơn nữa công tác này. Mở rộng tuyên truyền cho các đối tượng yếu thế như công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu đô thi mới, công trình xây dựng…
Bên cạnh việc phổ biến kiến thức pháp luật, cần tăng cường các kỹ năng PCMT cho HSSV và người lao động, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh việc bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo; phát hiện người sử dụng chất ma túy và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý… Ngoài ra, cũng cần tăng cường áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, ứng dụng CNTTT vào công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu quả công tác này như xây dựng phần mềm, app về PCMT có thể cài đặt trên điện thoại.
Một số ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Công an cần sớm nghiên cứu bộ tài liệu chuẩn hóa về PCMT; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền; hỗ trợ kinh phí, hậu cần; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền PCMT; có cơ chế khen thưởng, động viên các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.