Nỗ lực bảo vệ phụ nữ Trung Quốc vẫn vô ích sau vụ 4 cô gái bị đánh đập

Các biện pháp của chính quyền Trung Quốc sau vụ 4 cô gái bị nhóm đàn ông hành hung ở Đường Sơn mới chỉ bảo vệ phụ nữ trên danh nghĩa, còn thực chất vẫn chỉ như 'muối bỏ bể'.

Theo chính sách mới, quan chức ở thành phố Tửu Tuyển (tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc Trung Quốc) có thể bị từ chối thăng chức nếu bị phát hiện có tiền sử bạo lực gia đình. Động thái này diễn ra khi Trung Quốc vật lộn với vấn đề làm thế nào để dẹp nạn hành hung với phụ nữ, theo SCMP.

Chính sách mới của Tửu Tuyển là một phần trong nỗ lực của chính quyền để kiểm soát sự tức giận, nhức nhối của đám đông về vụ 4 cô gái ở Đường Sơn bị nhóm đàn ông hành hung dã man hồi tháng 6, điều mà các nhà phân tích cho rằng bị chính quyền coi là mối đe dọa tới sự ổn định xã hội.

 Vụ bạo lực ở Đường Sơn gây phẫn nộ dư luận nhưng phụ nữ vẫn phải tự bảo vệ mình sau đó. Ảnh: The Straits Times.

Vụ bạo lực ở Đường Sơn gây phẫn nộ dư luận nhưng phụ nữ vẫn phải tự bảo vệ mình sau đó. Ảnh: The Straits Times.

“Tính ổn định là số một. Vì vậy, bất cứ điều gì làm xáo trộn nó, dù là trong phạm vi gia đình, đơn vị làm việc hay khu vực lân cận, thì chính quyền sẽ tìm cách dập tắt", John Burns, giáo sư về Chính trị học tại Đại học Hong Kong, đánh giá.

Burns cũng bày tỏ bản thân “không lạc quan lắm về chính sách mới và liệu nó có tác dụng lâu dài trong việc ngăn chặn bạo lực gia đình hay không”.

Mục đích thật sự

“Kế hoạch thực hiện hành động đặc biệt” mới được thông qua ở Tửu Tuyển, cũng kêu gọi cơ quan địa phương phối hợp với cảnh sát, liên đoàn phụ nữ và các cơ quan khác để điều tra các vụ việc về bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Các nhà chức trách ở Tửu Tuyển đã điều tra hơn 1.000 trường hợp tranh chấp hôn nhân gia đình và thành công hòa giải 99/315 vụ vợ chồng đưa nhau ra tòa ly hôn, theo China Women’s News.

Kế hoạch này từng được ca ngợi rộng rãi trên mạng xã hội Weibo, nhưng theo một chuyên gia giấu tên thuộc Dự án quyền bình đẳng của Đại học Hong Kong, mục đích chính của chiến dịch này là ngăn cản mọi người ly hôn.

Trung Quốc là đất nước vẫn còn mang nặng tư tưởng Nho giáo, việc phụ nữ bị chồng đánh đập không được khuyến khích báo cáo và cho rằng "vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau". Theo luật hôn nhân và gia đình của Trung Quốc, các cặp vợ chồng đang đệ đơn ly hôn hiện phải đợi 30 ngày để suy nghĩ lại.

 Nghi phạm cuối cùng trong 9 tên đàn ông hành hung bị sa lưới. Ảnh: China Daily.

Nghi phạm cuối cùng trong 9 tên đàn ông hành hung bị sa lưới. Ảnh: China Daily.

“Mặc dù chiến dịch cho thấy chính quyền đang dần mạnh tay với bạo lực gia đình, nó cũng tìm cách hạn chế lựa chọn kết hôn của người dân”, người này nói. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng chính sách này nhằm khẳng định lại các giá trị gia đình chủ đạo, đi kèm với một loạt biện pháp được đưa ra nhằm tăng tỷ lệ sinh.

Trong nhiều năm, Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu “gia đình và xã hội hài hòa”, còn ông Tập Cận Bình vào các năm gần đây đã liên tục kêu gọi phụ nữ nước này đóng vai trò “một người vợ tốt và một người mẹ tận tụy” như một phần quan trọng trong truyền thống Trung Quốc.

David Goodman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney, chỉ ra rằng việc Bắc Kinh đề cao các giá trị gia đình một phần xuất phát từ sự thôi thúc tăng tỷ lệ sinh trong bối cảnh dân số già nhanh.

"Việc thế hệ trẻ lười sinh giống như một cuộc đình công, đe dọa sự ổn định xã hội. Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến xã hội theo cách tương tự, đặc biệt là trong bối cảnh sự phẫn nộ gần đây đối với bạo lực trên cơ sở giới như vụ tấn công ở Đường Sơn”, Goodman nói.

Sau khi phản ứng lại hành vi quấy rối, cô gái ở Đường Sơn bị gã đàn ông tấn công, khiến hai người bạn phải can thiệp. Sau đó, một nhóm người khác đi vào túm tóc kéo cô gái bị quấy rối ra ngoài và liên tục đánh đập khi cô nằm dưới mặt đất. Ảnh: SCMP.

Sau khi phản ứng lại hành vi quấy rối, cô gái ở Đường Sơn bị gã đàn ông tấn công, khiến hai người bạn phải can thiệp. Sau đó, một nhóm người khác đi vào túm tóc kéo cô gái bị quấy rối ra ngoài và liên tục đánh đập khi cô nằm dưới mặt đất. Ảnh: SCMP.

Phụ nữ vẫn chưa được bảo vệ

Sau khi đoạn phim CCTV ghi lại cảnh nhóm đàn ông tấn công 4 phụ nữ dã man tại nhà hàng ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc được lan truyền vào tháng 6, mọi con mắt đều đổ dồn vào các nhà chức trách Trung Quốc và mong đợi câu trả lời.

Video làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của công chúng và các cuộc thảo luận về tình trạng bạo lực có hệ thống đối với phụ nữ ở đất nước tỷ dân.

Nhiều người kỳ vọng rằng lần này, với tính chất bạo lực nghiêm trọng, bằng chứng không thể chối cãi cũng như sự lan truyền của cảnh quay, điều gì đó sẽ phải thay đổi.

Nhưng thay vào đó, Tòa án Tối cao lại xem xét hoạt động băng đảng và tội phạm có tổ chức.

Mặc dù đề cập ngắn gọn đến phụ nữ khi lên án “các vụ tấn công dã man đối với phụ nữ, trẻ em và người già”, tòa án chỉ yêu cầu thẩm phán tập trung vào các vụ giết người, tội phạm có tổ chức, cướp và tội phạm liên quan đến súng hoặc chất nổ.

Các hành vi gian lận và lừa đảo nhắm vào người cao tuổi cũng được nhấn mạnh nhưng bạo lực đối với phụ nữ chưa bao giờ được đề cập cụ thể.

 Bất chấp sự chênh lệch giới khiến nhiều đàn ông có nguy cơ không thể cưới vợ, phụ nữ ở Trung Quốc vẫn chịu cảnh bị phân biệt đối xử, bạo hành từ trong gia đình, đến nơi làm và ra ngoài xã hội. Ảnh: Reuters.

Bất chấp sự chênh lệch giới khiến nhiều đàn ông có nguy cơ không thể cưới vợ, phụ nữ ở Trung Quốc vẫn chịu cảnh bị phân biệt đối xử, bạo hành từ trong gia đình, đến nơi làm và ra ngoài xã hội. Ảnh: Reuters.

Hơn một tháng kể từ khi vụ tấn công xảy ra, Đường Sơn bị tước bỏ danh hiệu “văn minh” được trao cho các thành phố có trật tự xã hội tốt của Trung Quốc.

Tỉnh Hà Bắc tiến hành xem xét kỷ luật đối với lực lượng cảnh sát Đường Sơn, một phó cảnh sát trưởng bị sa thải và tăng cường tuần tra ban đêm trong thành phố.

Tuy nhiên, không có biện pháp nào giải quyết được vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Điều này càng đáng lo ngại vì tội ác chống lại phụ nữ đang là tình trạng phổ biến trên khắp Trung Quốc.

Trong môi trường vốn đã thù địch, việc Bắc Kinh không khoan dung với chủ nghĩa hoạt động hoặc các tổ chức cơ sở có nghĩa là phụ nữ Trung Quốc cũng phải đối mặt với cuộc đàn áp dữ dội đối với bất kỳ hoạt động nữ quyền nào.

Tháng 4, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tuyên bố “chủ nghĩa nữ quyền cực đoan đã trở thành khối u ác tính trên Internet”. Global Times gọi phong trào #MeToo là “công cụ chính trị để lật đổ chính phủ dưới chiêu bài bảo vệ quyền phụ nữ”.

Hiện nay, hashtag #MeToo vẫn được kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, hạn chế mọi cuộc thảo luận về quyền và bình đẳng của phụ nữ.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/no-luc-bao-ve-phu-nu-trung-quoc-van-vo-ich-sau-vu-4-co-gai-bi-danh-dap-post1355060.html