Nỗ lực bứt phá
Lần đầu tiên, một sự kiện quốc tế được tổ chức tại tỉnh Bình Dương kể từ sau đại dịch COVID -19, với chủ đề 'Phục hồi sau đại dịch, chuyển đối số và Đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự tăng trưởng trong cộng đồng'.
Sự kiện tổ chức trong hai ngày 20 và 21/6/2022, với việc tổ chức Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) vinh danh TOP 7 Cộng đồng Thông minh thế giới 2022.
Trong sự kiện này, Bình Dương được nhắc tới với 4 lần liên tiếp nằm trong Smart 21 (Smart 21) và lọt vào TOP 7 lần đầu tiên vào năm 2021.
Trải qua năm 2021 đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Bình Dương vẫn vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục trở thành địa phương duy nhất của cả nước lọt TOP Smart 21.
Trước đó, vào ngày 1/7/2021 (giờ Việt Nam), tại New York, Hoa Kỳ, ICF với đại diện của gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới, đã vinh danh Vùng Thông minh Bình Dương là 1 trong TOP 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới của năm 2021.
Để công nhận một thành phố đạt trong TOP 7, ICF phải tiến hành nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới, từ đó chọn ra TOP 21 (SMART 21), sau đó chọn ra TOP 7 những thành phố có chiến lược phát triển thông minh nhất.
Công chúng Việt Nam chưa nhiều người biết về ICF. Tuy nhiên, với 6 tiêu chí khắt khe của tổ chức này đưa ra để lựa chọn một thành phố đưa vào danh sách SMART 21 thì Bình Dương có cơ sở để tự hào. 6 tiêu chí đó gồm: Nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bình đẳng công nghệ số và cam kết đồng lòng của cả cộng đồng.
Bình Dương, như chúng ta đã biết là một tỉnh năng động của khu vực kinh tế phía Nam, luôn nằm trong TOP dẫn đầu cả nước (rất tốt và tốt) trong PCI.
PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt nam. Tiếng Anh là Provincial Competitiveness Index) được thí điểm lần đầu vào năm 2005 đối với 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lần thứ hai là từ năm 2006 trở đi với tất cả các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, gồm các chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền cấp tỉnh, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Việc Bình Dương luôn nằm trong nhóm PCI dẫn đầu của cả nước từ khi có PCI cũng đã chứng minh được sự bứt phá, nỗ lực cải thiện để tạo môi trường đầu tư với những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và cả lao động.
Ngoài chuyện của những danh hiệu, thực tiễn cho thấy chúng ta hiện đang quá ít địa phương có sự bứt phá và thay đổi nhanh chóng như Bình Dương. Hạ tầng và những thuận lợi cho việc đầu tư, kể cả việc cải cách hành chính… đều đang là những điểm sáng dễ nhìn thấy của Bình Dương.
Dĩ nhiên, Bình Dương có nhiều lợi thế, nhưng không phải chỉ nhờ vào lợi thế mà thành công. Các địa phương khác cũng chẳng phải không có lợi thế?
"Thành phố thông minh", "thành phố đáng sống", "đô thị văn minh" hay gì nữa, rốt cuộc thì vẫn phải trả lời được câu hỏi: Người dân ở đó được sống như thế nào. Người dân - gồm cả cá nhân và doanh nghiệp, không cần nhiều đến các danh hiệu, mà cần nhìn thấy ở thực tiễn môi trường mà họ phải sống.
Nhiều người ở ta bây giờ sính dùng những mỹ từ "đao to búa lớn" cho nơi mình sống. Nhưng chưa nói đến tiện ích để dễ sống, chỉ riêng việc ngồi trong nhà cũng sợ trộm cướp, rồi ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, thất nghiệp… thì những đô thị ấy còn lâu mới hy vọng lọt TOP của những thành phố thông minh.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/no-luc-but-pha-i657977/