Nỗ lực bứt phá về Chỉ số PII
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Nhằm đo lường năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương và đồng bộ với Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số PII và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại 20 địa phương từ năm 2022; trong đó tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham gia. Trên cơ sở kết quả đạt được, Bộ KH&CN đã hoàn thiện Bộ chỉ số PII năm 2023 và tổ chức triển khai trong toàn quốc. Theo kết quả xếp hạng Bộ chỉ số PII năm 2023, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 62,86 điểm; Thái Nguyên lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN: Được UBND tỉnh giao là đơn vị đầu mối, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở KH&CN đã kết nối triển khai đầy đủ, kịp thời các bước thu thập, cập nhật dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ chỉ số PII. Sở cũng đã tổ chức cho các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự Hội nghị trực tuyến hướng dẫn thu thập và cung cấp dữ liệu, tài liệu minh chứng phục vụ xây dựng Bộ chỉ số PII do Học viện Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) tổ chức. Qua đó giúp các đơn vị hiểu rõ về sự cần thiết, ý nghĩa, cấu trúc của Bộ chỉ số PII; nguồn dữ liệu, sự tham gia của các bên liên quan; quy trình, cách thức thu thập cung cấp dữ liệu; tài liệu minh chứng từ địa phương phục vụ xây dựng Bộ chỉ số PII.
Đồng thời, Sở KH&CN ban hành văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị liên quan thu thập, cung cấp dữ liệu phục vụ tính toán Bộ chỉ số PII trên địa bàn tỉnh và đã nhận được thông tin, dữ liệu kịp thời, đầy đủ, theo các lĩnh vực: Chuyển đổi số; phát triển công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phát triển nông thôn (chương trình OCOP, tham gia sàn thương mại điện tử, phát triển kinh tế số); phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; số doanh nghiệp khoa học – công nghệ đủ điều kiện hoạt động; diện tích đất sử dụng và số lượng dự án đầu tư đang sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chính sách của địa phương đối với phát triển công nghệ cao, logictis; phát triển và thu hút nguồn nhân lực; tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu, khoa học kỹ thuật; chi ngân sách địa phương cho giáo dục - đào tạo, dạy nghề; GRDP của địa phương; dân số trung bình...
Là người được giao trực tiếp thực hiện nhận, tổng hợp dữ liệu, ông Trần Văn Nhã, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ (Sở KH&CN) cho biết: Trên cơ sở số liệu do các cơ quan, đơn vị cung cấp, Sở KH&CN đã tổng hợp, cập nhật kịp thời lên hệ thống thông tin dữ liệu trực tuyến để Học viện Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tính toán các chỉ số theo Bộ tiêu chí.
Với số điểm 47,75, Thái Nguyên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xếp hạng Bộ chỉ số PII năm 2023; dẫn đầu trong 14 địa phương khu vực vùng trung du và miền núi phía Bắc. Kết quả này được chấm điểm dựa vào 7 trụ cột của Bộ chỉ số PII (5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu ra), gồm 52 chỉ số thành phần chia thành 16 nhóm. Trong đó 5 trụ cột đầu vào thể hiện năng lực, tiềm lực khoa học - công nghệ địa phương; phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm: Thể chế, vốn con người và phát triển nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp. 2 trụ cột đầu ra thể hiện việc chuyển đổi của tiềm lực khoa học - công nghệ thành các tác động xã hội, kết quả phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gồm: sản phẩm trị thức, sáng tạo và công nghệ….
Theo đánh giá chung, các tỉnh, thành phố trong danh sách 10 địa phương dẫn đầu về Bộ chỉ số PII, trong đó có Thái Nguyên, là những địa phương có cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển thị trường, doanh nghiệp rất cao so với mặt bằng chung cả nước và khu vực. Vốn con người và nghiên cứu phát triển cũng vượt trội so với các địa phương khác do tập trung nhiều trường đại học, tổ chức nghiên cứu. Các địa phương này có đầu vào đổi mới sáng tạo thuận lợi, giúp chuyển hóa thành các kết quả đầu ra cao so với các địa phương khác.
So với các địa phương trong khu vực, Thái Nguyên và Bắc Giang có tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng cao và thu nhập bình quân đầu người ở mức khá; có nhiều chỉ số đạt điểm tuyệt đối, theo thang điểm 100, như vốn sản xuất kinh doanh bình quân hằng năm của doanh nghiệp, trình độ phát triển doanh nghiệp với đầu tư trực tiếp của nước ngoài và giá trị xuất khẩu... Căn cứ vào kết quả Bộ chỉ số PII 2023, cùng với tình hình thực tiễn của địa phương, Thái Nguyên có thể đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp với điều kiện và đặc điểm riêng đối với các trụ cột đầu vào và đầu ra có kết quả cao hơn trong những năm tới.