Nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Công Thương: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao
Việc cắt giảm và cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) của Bộ Công Thương thời gian qua được các hiệp hội, ngành hàng phía Nam đánh giá cao.
Thủy sản là ngành có kim ngạch xuất khẩu (XK) lên tới gần chục tỷ USD mỗi năm, nên các DN chế biến thủy sản phải làm không ít thủ tục liên quan đến giấy tờ, quy trình XK do Bộ Công Thương quản lý. Dù vậy, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - đánh giá: Năm 2020, trong số các kiến nghị liên quan đến cải cách TTHC mà VASEP gửi cho các bộ, ngành thì hầu như không có một một kiến nghị nào liên quan đến Bộ Công Thương. Điều này cho thấy, về cơ bản các TTHC của Bộ Công Thương đang đáp ứng được nguyện vọng của DN; đồng thời phản ánh được mức độ hội nhập đầy đủ của hoạt động thương mại Việt Nam so với các yêu cầu của quốc tế, tác động tốt đến tâm lý DN.
“Cải cách hành chính (CCHC) là sự tập trung nhất quán từ Chính phủ cho tới tất cả các bộ, ngành, địa phương để tạo môi trường hoạt động tốt nhất cho DN. Riêng Bộ Công Thương, CCHC đã đáp ứng rất kịp thời đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”- ông Hòe nhận định.
Với lĩnh vực chế biến thực phẩm, không chỉ trong phạm vi XK mà ngay tại thị trường nội địa, các vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng, xây dựng kênh phân phối đều có những thủ tục, giấy tờ liên quan đến quản lý của ngành Công Thương. Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) - nhận xét, cộng đồng DN và đặc biệt là FFA đánh giá cao công tác CCHC của Bộ Công Thương trong những năm gần đây.
Cụ thể, theo khảo sát của FFA, trong năm 2016, Bộ Công Thương có tới 1.216 điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương ảnh hưởng 60-70% GDP của nền kinh tế nước ta. Do vậy, việc cắt giảm các ĐKKD mà Bộ quản lý có tác động rất lớn đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
“Những năm gần đây, Bộ Công Thương dưới sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ đã có chuyển biến tích cực trong lĩnh cực cải cách ĐKKD. Bộ Công Thương đã thực hiện cắt giảm một cách rất bài bản và tự nguyện, xuất phát từ tư duy quản lý chứ không phải từ áp lực của Thủ tướng”- bà Chi nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những điểm nổi bật của Bộ Công Thương là các ĐKKD có tính chất áp đặt về quy mô bị loại bỏ rất nhiều. Chẳng hạn Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo đề nghị của Bộ Công Thương đã bỏ các điều kiện về số lượng chai LPG tối thiểu, dung tích tối thiểu của bồn chứa, hệ thống phân phối LPG theo từng cấp với số lượng tối thiểu tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG… Hay Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo đã bãi bỏ các điều kiện về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng (5.000 tấn thóc), công suất tối thiểu của cơ sở xay xát (10 tấn thóc/giờ) và quyền sở hữu kho hàng đối với kinh doanh XK gạo.
Tuy vậy, giai đoạn tới, cộng đồng DN rất kỳ vọng và tin tưởng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý nhà nước cho hoàn thiện, thích ứng với điều kiện thực tế và các cam kết hội nhập mà Việt Nam đã tham gia, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước khi cắt giảm ĐKKD, Bộ Công Thương đã tham khảo ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng DN. Điều này đã giúp hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh của Bộ đạt kết quả tích cực, được cộng đồng DN đánh giá cao.