Nỗ lực cải cách lĩnh vực tài chính
Chính phủ Anh đang đề xuất các cải cách quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như một phần trong chương trình nghị sự nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm chính là khuyến khích đầu tư trong nước từ các quỹ hưu trí và nới lỏng khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, khả năng thành công của các biện pháp này vẫn còn chưa chắc chắn.
Hai trụ cột của cải cách
Những thay đổi được đề xuất là một phần của chiến lược tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ tài chính, vốn là trụ cột quan trọng trong chiến lược công nghiệp mới. Đồng thời, đây cũng là bước đi rộng hơn nhằm khuyến khích các cơ quan quản lý nới lỏng các quy định để thúc đẩy tăng trưởng.
Không giống như các lĩnh vực khác, việc nới lỏng quy định để hỗ trợ tăng trưởng trong lĩnh vực tài chính đã được Chính phủ tiền nhiệm khởi xướng thông qua các cải cách Edinburgh. Theo đó, Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) đã được giao một "mục tiêu thứ cấp" bên cạnh mục tiêu chính là bảo đảm thị trường tài chính vận hành tốt: cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng cạnh tranh quốc tế và tăng trưởng kinh tế.
Chiến lược cải cách dịch vụ tài chính mới của Vương quốc Anh tập trung vào hai trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên là thúc đẩy đầu tư trong nước bằng cách điều chỉnh các quy định về hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí và khuyến khích người dân chuyển đổi tiết kiệm thành các kênh đầu tư hiệu quả hơn. Trụ cột thứ hai nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng thông qua việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng, giúp các hộ gia đình dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn.
Khuyến khích quỹ hưu trí đầu tư
Yếu tố quan trọng đầu tiên trong cải cách quỹ hưu trí của Anh là thành lập các quỹ hưu trí quy mô lớn hơn để tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô. Trong một loạt biện pháp, bao gồm một dự luật về chương trình hưu trí sắp được trình lên Quốc hội, Chính phủ đang tìm cách tạo ra các "siêu quỹ hưu trí" bằng cách hợp nhất các quỹ hưu trí của chính quyền địa phương (hiện có 86 quỹ trong cả nước) thành các quỹ lớn hơn.
Các siêu quỹ này sẽ phải đặt mục tiêu đầu tư vào nền kinh tế địa phương, phối hợp với các chính quyền địa phương và các cơ quan khu vực để xác định cơ hội tốt nhất nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ kỳ vọng, điều đó có thể làm tăng đầu tư địa phương thêm 20 tỷ bảng Anh và tổng đầu tư vào nền kinh tế quốc gia thêm 80 tỷ bảng Anh.

Nguồn: ITN
Yếu tố thứ hai trong cải cách này là khuyến khích các hộ gia đình chấp nhận rủi ro nhiều hơn với khoản tiết kiệm của mình bằng cách đầu tư vào các tài sản như cổ phiếu thuộc chỉ số FTSE100. Hiện nay, nhiều cá nhân có tài sản tài chính có thể đầu tư nhưng vẫn lựa chọn giữ phần lớn hoặc toàn bộ số tiền đó dưới dạng tiền mặt.
Theo ước tính của FCA, có khoảng 11,8 triệu người tiêu dùng ở Anh sở hữu ít nhất 10.000 bảng Anh tài sản đầu tư được, nhưng phần lớn hoặc toàn bộ số tiền này vẫn nằm trong tài khoản tiền mặt. Khảo sát Financial Lives Survey vào năm 2023 cho thấy, khoảng 44% trong số này (tương đương 5,2 triệu người) sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đầu tư.
FCA đang nhắm mục tiêu vào vấn đề trên thông qua Chiến lược Đầu tư của người tiêu dùng, bao gồm việc sửa đổi các quy định về mô tả sản phẩm đầu tư, cũng như cách minh họa rủi ro và lợi nhuận để khuyến khích người tiêu dùng đầu tư nhiều hơn. Ngoài ra, một số đề xuất chính sách còn đi xa hơn, chẳng hạn như yêu cầu các nhà đầu tư phải đầu tư vào các tài sản tại Anh nếu muốn hưởng lợi từ các ưu đãi thuế dành cho tài khoản tiết kiệm cá nhân (ISA) và quỹ hưu trí tự đầu tư (SIPP).
Dù Chính phủ xứ sở sương mù mong muốn các quỹ hưu trí đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế Anh, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về những người được ủy thác quản lý quỹ. Họ có nghĩa vụ ủy thác phải bảo đảm lợi ích tối đa cho các thành viên (thường là nhân viên của các công ty đóng góp vào quỹ). Hiện tại, nhiều người vẫn tỏ ra do dự với đề xuất này. Ông Vassos Vassou, Phó Chủ tịch Hiệp hội những người được ủy thác quản lý quỹ hưu trí chuyên nghiệp, cho biết trên Financial Times: "Chúng tôi luôn tìm kiếm các sản phẩm có thể mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn cho các thành viên - nếu nền kinh tế Anh có thể cung cấp một sản phẩm như vậy, chúng tôi sẽ đầu tư vào đó".
Hơn nữa, theo lý thuyết tài chính, các quỹ hưu trí nên đa dạng hóa danh mục đầu tư quốc tế để giảm rủi ro. Việc đầu tư quá nhiều vào nền kinh tế Anh có thể làm tăng sự phụ thuộc vào nền kinh tế nội địa, trong khi nguyên tắc đa dạng hóa lại chỉ ra rằng việc đầu tư vào các thị trường quốc tế có thể giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Nới lỏng tín dụng cho các hộ gia đình
Trụ cột thứ hai của chiến lược tăng trưởng và dịch vụ tài chính là nới lỏng các quy định về cấp tín dụng cho hộ gia đình, sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Chính phủ và FCA.
Từ năm 2014, các quy định về khả năng chi trả và xếp hạng tín dụng đã siết chặt điều kiện vay vốn, yêu cầu các ngân hàng phải kiểm tra khả năng trả nợ của khách hàng kỹ lưỡng hơn. Hạn mức tỷ lệ vay trên thu nhập cũng được thắt chặt, hạn chế khả năng vay thế chấp của các hộ gia đình. Việc thắt chặt này giúp tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập giảm mạnh từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc tiêu dùng - thành phần lớn nhất của GDP Anh - hầu như không tăng trưởng trong suốt thập kỷ qua.
Cũng như cải cách quỹ hưu trí, sự thành công của chính sách nới lỏng tín dụng mới phụ thuộc vào hành vi của người tiêu dùng. Lý thuyết kinh tế cho rằng tiêu dùng hiện tại sẽ tác động đến gánh nặng nợ trong tương lai. Nếu người tiêu dùng lo ngại về lạm phát cao, thu nhập thực tế giảm, lãi suất tăng và tăng trưởng năng suất thấp, họ có thể không sẵn sàng vay thêm.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng GfK dài hạn cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Anh vẫn thấp kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 và tiếp tục suy giảm kể từ khi Chính phủ mới lên nắm quyền vào giữa năm 2024. Trong khi đó, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng, vì quyết định vay tiền thường dựa trên kỳ vọng về tương lai, theo một nguyên tắc cơ bản trong lý thuyết tiêu dùng.
Khoản vay hôm nay để chi tiêu sẽ trở thành khoản nợ cần trả vào ngày mai. Nếu viễn cảnh tương lai không mấy sáng sủa do lạm phát cao, thu nhập thực tế giảm, lãi suất tăng, năng suất lao động yếu và khả năng cạnh tranh quốc tế suy giảm, người tiêu dùng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc vay mượn.