Nỗ lực cải thiện chỉ số chi phí không chính thức
'Chi phí không chính thức' là chỉ số mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, để lựa chọn địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, năm 2022, chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh lại giảm về thứ hạng . Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các sở, ngành liên quan trong việc cải thiện điểm số và thứ hạng của chỉ số này.
Chi phí không chính thức là chỉ số đo lường các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả các khoản không liên quan đến sản xuất, đầu tư. Đây là chỉ số khá “nhạy cảm” trong 10 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Sự có mặt của chỉ số này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư, doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn đầu tư. Năm 2022, PCI của tỉnh đạt 68,91 điểm, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành. Thế nhưng, chỉ số chi phí không chính thức lại xếp thứ 23/63 tỉnh, thành, với 7,12 điểm; giảm 0,93 điểm và 20 bậc so với năm 2021. Trong đó, có đến 9/16 chỉ tiêu thành phần có xu hướng giảm điểm.
Theo Sở Nội vụ, nguyên nhân khiến chỉ số này đạt thấp là do vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm trong công việc. Thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
Vai trò của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc phân công, kiểm tra, đôn đốc và xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ chưa thật sự có hiệu quả…
Để đạt mục tiêu năm 2023, chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 40 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ. Thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
Trong đó, tập trung vào việc rà soát và nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ để phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch, các quy định pháp luật của Nhà nước, các thông tin mà doanh nghiệp quan tâm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó, có các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, cung cấp kịp thời các thông tin liên quan mà nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm. Đẩy mạnh việc đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.
Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý dự án tỉnh, Công an tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao các chỉ tiêu đánh giá liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; định kỳ báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tỉnh kịp thời nắm bắt và tháo gỡ.