Nỗ lực cải thiện mức độ hài lòng của doanh nghiệp
Báo cáo đánh giá về mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) và thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua Cơ chế một cửa quốc gia vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, 95% số DN đánh giá dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như: Tạo tài khoản và đăng nhập, xem và in hồ sơ trên Cổng một cửa quốc gia (Cổng MCQG). Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN gặp khó khăn khi sử dụng, cũng như một số bất cập cần được khắc phục để tạo thuận lợi hơn cho DN.
Báo cáo đánh giá về mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) và thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua Cơ chế một cửa quốc gia vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, 95% số DN đánh giá dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như: Tạo tài khoản và đăng nhập, xem và in hồ sơ trên Cổng một cửa quốc gia (Cổng MCQG). Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN gặp khó khăn khi sử dụng, cũng như một số bất cập cần được khắc phục để tạo thuận lợi hơn cho DN.
Gần 30% số DN chưa hài lòng
Báo cáo được tổng hợp và phản ánh ý kiến từ gần 3.100 DN về 12 TTHC, dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng MCQG, thuộc phạm vi quản lý của các bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Khoa học và Công nghệ, Y tế. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các chức năng cơ bản trên Cổng MCQG hoạt động tốt, tuy nhiên, nhiều DN gặp vướng mắc khi sử dụng các dịch vụ sâu hơn trên Cổng MCQG. Ðơn cử, 27% số DN cho biết chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định; 20% số DN phản ánh tốc độ xử lý tác vụ trên Cổng MCQG còn chậm,… Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các TTHC thuộc hai bộ Công thương, NN và PTNT dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc ba bộ còn lại. Thủ tục "cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O" và "Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa" là hai thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ khoảng 15% số DN cho biết có gặp khó khăn. Có 26% số DN gặp trở ngại với thủ tục "Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu". Các thủ tục "Cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế" và "Cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu" của Bộ Y tế có tỷ lệ DN gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn cho rằng, nguyên nhân chính của những khó khăn nêu trên là do hệ thống xử lý thủ tục của các bộ quản lý chuyên ngành chưa "điện tử" hoàn toàn, tình trạng một số DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ từ ba đến bốn lần còn xảy ra nhiều; thời gian các bộ, ngành xử lý hồ sơ tương đối lâu,… Thậm chí, một số DN cho biết, có những thủ tục DN vừa phải thực hiện qua cổng điện tử vừa phải đến tận nơi thực hiện là điều không hợp lý. Vì vậy, thời gian tới, cần cải thiện chức năng và sự vận hành của Cổng MCQG, khắc phục những trục trặc về đăng ký và sử dụng chữ ký số; nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho DN khi giải quyết TTHC; bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin tập trung phục vụ triển khai cơ chế một cổng quốc gia. Nâng
cấp kỹ thuật và bảo trì thường xuyên để Cổng MCQG hoạt động ổn định, tăng tốc độ xử lý tác vụ và giải quyết trục trặc kỹ thuật. Nhất là, cần bổ sung chức năng thanh toán điện tử trên Cổng MCQG nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN thực hiện TTHC.
Vẫn còn nhiều dư địa cải cách
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Do đó, việc tạo thuận lợi thương mại, nhất là cải cách về TTHC xuất, nhập khẩu là cách thức để Việt Nam đón nhận các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cộng đồng DN cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành khi đưa ra nhiều giải pháp, như: Ðơn giản hóa TTHC, áp dụng thủ tục hải quan điện tử, triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của DN. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai Cổng MCQG đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện TTHC cho DN, tuy nhiên, sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ, ngành.
Cụ thể, có 10 trong số 12 TTHC ghi nhận thời gian DN phải dành ra để thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống khoảng từ một đến ba ngày và số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định của các văn bản pháp luật. Có tám TTHC ghi nhận chi phí giảm đáng kể so với phương thức cũ. Chính vì vậy, để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN sử dụng Cổng MCQG, cộng đồng DN cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định còn bất cập, gây phiền hà cho DN, đồng thời cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN, đơn giản hóa các khâu TTHC và giảm bớt các giấy tờ không cần thiết. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, Cổng MCQG phải kết nối đồng bộ các hệ thống của từng bộ, ngành, tránh việc DN phải tương tác nhiều hệ thống và chuyển đổi dữ liệu qua mạng. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của tất cả các bên thì cơ chế một cửa quốc gia mới vận hành hiệu quả, thông suốt. Cùng với đó, thiết bị công nghệ cho cả hệ thống cần được đồng bộ hóa để vận hành trôi chảy, giải đáp vướng mắc cho DN khi thực hiện TTHC và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ DN trên Cổng MCQG.
Có thể thấy, việc thực hiện thủ tục trên Cổng MCQG liên quan tới rất nhiều cơ quan, đơn vị, cho nên việc đồng bộ các thủ tục giữa các cơ quan cần sớm triển khai để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho DN. Theo đó, thời gian tới, cần đẩy nhanh việc triển khai các TTHC mới trên Cổng MCQG theo kế hoạch, đẩy mạnh việc minh bạch thông tin về tiến độ giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng các giải đáp thắc mắc của DN. Mặt khác, tiếp tục cải thiện tính công khai kết quả giải quyết thủ tục, thống nhất và đơn giản hóa các biểu mẫu, giấy tờ dễ hiểu với DN và thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong giải quyết thủ tục cho DN. Nghiên cứu mở "kho dữ liệu" dùng chung để các cơ quan liên quan có thể sử dụng khi giải quyết TTHC. Ðặc biệt, cần áp dụng triệt để hồ sơ văn bản điện tử, loại bỏ hiện tượng vừa làm thủ tục trên Cổng MCQG, vừa nộp hồ sơ giấy tại cơ quan quản lý chuyên ngành.