Nỗ lực cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp. Bởi vậy, việc cải thiện và nâng cao chỉ số này đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở để góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Nhận định “điểm nghẽn”
Ngày 12.4.2023, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố chỉ số PAPI năm 2022 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả, chỉ số PAPI tỉnh ta đạt 41,147 điểm (tương ứng 51,43%), xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố; giảm 1,655 điểm và 16 bậc so với năm 2021, thuộc nhóm trung bình thấp.
Trong 8 trục nội dung cấu thành nên chỉ số PAPI thì duy nhất nội dung tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng 0,168 điểm, 7 nội dung còn lại đều giảm điểm so với năm 2021. Sự cách biệt điểm số giữa 8 nội dung còn lớn, dao động từ 2,58 – 7,18/10 điểm. Trong đó, 2 trục nội dung giảm điểm nhiều nhất so với năm 2021 là: Cung ứng DVC (giảm 0,57 điểm); quản trị điện tử (giảm 0,375 điểm). Riêng quản trị môi trường là một trong những trục nội dung có số điểm thấp nhất kể từ năm 2021. Đến năm 2022, trục nội dung này không được cải thiện mà tiếp tục giảm 0,293 điểm so với năm 2021.
Qua phân tích của cơ quan chuyên môn cho thấy, có nhiều nguyên nhân cản trở việc cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đến người dân chưa thường xuyên, mức độ chưa sâu, chưa phong phú; thậm chí chưa tuyên truyền để người dân hiểu, tham gia khảo sát PAPI. Một số đơn vị, địa phương chưa bàn bạc, trao đổi và xin ý kiến về quyết định đầu tư, thiết kế, mức đóng góp với người dân khi tu sửa, xây mới công trình công cộng. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa cao, còn tình trạng phát sinh chất thải làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân như: Làng nghề rượu thóc Nàng Đôn, xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì), Làng nghề dệt thổ cẩm Nùng U, xã Nấm Dẩn (Xín Mần)...
Cùng với những “điểm nghẽn” trên, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều hạn chế như: Hồ sơ TTHC chậm xử lý, quá hạn; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong giải quyết TTHC, nhất là lĩnh vực đất đai dẫn đến tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức tại một số địa phương thấp. Phần mềm DVC trực tuyến chưa hoàn thiện, thường xảy ra lỗi về đăng nhập, gửi, nhận hồ sơ; đường truyền mạng internet thường xuyên bị nghẽn, chậm, mất kết nối, dẫn đến kéo dài thời gian nộp hồ sơ trực tuyến khiến người dân không mặn mà với DVC trực tuyến. Do đó, tỷ trọng lập hồ sơ người dùng trên Cổng DVC trực tuyến của tỉnh rất thấp, chưa tới 1%; tỷ trọng người đã dùng Cổng DVC trực tuyến quốc gia chưa đến 0,2%. Ngoài ra, toàn tỉnh vẫn còn 53 thôn, bản chưa phủ sóng di động; trên 200 thôn, bản chưa có điện, ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận và sử dụng internet của người dân...
Riêng chất lượng cung ứng DVC (giáo dục, y tế...) mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Không ít ý kiến phản ánh của người dân cho biết không hài lòng vì phải chi thêm khoản ngoài quy định để được quan tâm hơn khi khám, chữa bệnh và giáo viên ưu ái học sinh tham gia học thêm.
Nỗ lực cải thiện
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh ta quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì, nâng cao nội dung tăng điểm; phấn đấu cải thiện, tăng điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc 7 nội dung cấu thành chỉ số PAPI bị giảm điểm năm 2022. Kết quả tổng hợp Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, DVC theo thời gian thực trên môi trường điện tử (tính đến ngày 4.8.2023) của UBND tỉnh từng bước cải thiện, đạt 63,23 điểm, xếp loại trung bình với thứ hạng 39/63 tỉnh, thành phố. Trong quản trị điện tử, tỉnh ta triển khai một số mô hình, cách làm mới về chuyển đổi số được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia như: Thanh toán không dùng tiền mặt, chợ 4.0, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
UBND tỉnh thành lập các đoàn công tác, kiểm tra công vụ 22 cuộc đối với 13 sở, ngành và 9 huyện, thành phố; thanh tra hành chính 57 cuộc/76 đơn vị thuộc các lĩnh vực đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách; tổ chức 97 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với 116 tổ chức, 185 cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đối với giáo dục tiểu học công lập, các cấp, ngành duy trì phong trào xây dựng “Trường học tiêu biểu toàn diện” hướng tới “Trường học hạnh phúc”; tập trung các nguồn lực để xây dựng trường, lớp học, bổ sung trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ bán trú. Điển hình trong đó, huyện Quản Bạ huy động xã hội hóa số tiền gần 1,3 tỷ đồng để củng cố cơ sở vật chất cho các trường học.
Đặc biệt, thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã đối thoại với gần 400 thanh niên, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, tạo hiệu ứng tích cực đối thoại – toại lòng dân. Người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện tổ chức 42 cuộc đối thoại với hơn 2.500 lượt cán bộ, người lao động và nhân dân, tiếp nhận 418 ý kiến phản ánh; giải quyết 518 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách của người dân.
Hiện, tỉnh ta tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật tại địa phương. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI. Phấn đấu đưa chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh vươn lên xếp hạng ở nhóm trung bình cao của cả nước và đạt top đầu trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.