Nỗ lực cân bằng thương mại với Mỹ

Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp hướng tới cân bằng hơn cán cân thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới, giảm sức ép bị áp thuế từ Mỹ

Thông tin đến các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ tại diễn đàn Ngành gỗ và Nội thất Việt Nam năm 2025 vừa diễn ra hồi tháng 3-2025, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện có nhiều thay đổi về chính sách đối ngoại lẫn đối nội. Mới đây, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương Mại điều tra xem xét đánh giá vai trò các nhà cung cấp nước ngoài trong chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ, trong đó có Việt Nam…

Ồ ạt đặt mua máy bay từ Mỹ

"Theo đánh giá của các hiệp hội liên quan, nhất là Hiệp hội bán buôn bán lẻ Mỹ, năm 2025 sẽ đặc biệt khó khăn đối với các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ xuất khẩu vào Mỹ" - ông Hưng nhấn mạnh và đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội xây dựng phương án sử dụng nguyên liệu thay thế, xem xét nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại và tránh các vụ kiện về xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra xem xét tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế; tăng cường xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường hơn nữa trong thời gian tới và có chiến lược tiếp cận bài bản để tận dụng cơ hội khi Mỹ áp thuế lên các quốc gia khác.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho rằng để cân bằng thương mại với Mỹ, giảm rủi ro bị áp thuế cao, các DN gỗ cần tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, chủ động thiết kế mẫu mã, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Quan trọng hơn, DN cần tăng cường sử dụng nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Mỹ. Đây là nguồn nguyên liệu chất lượng, hợp pháp, có giá cả phải chăng, có thể dùng để chế biến phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nhất trí rằng Việt Nam nên tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại. Theo đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành, thịt bò, ngô, lúa mì - những mặt hàng mà Mỹ đang dư thừa và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Việt Nam cũng có thể mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để phục vụ nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch. "Một lĩnh vực khác có thể giúp Việt Nam gia tăng nhập khẩu từ Mỹ là hàng không và công nghệ cao. Các hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet đã ký các hợp đồng mua máy bay Boeing nhưng có thể đẩy nhanh quá trình nhận hàng để tăng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ. Chính phủ Việt Nam có thể xem xét đặt hàng thiết bị công nghệ, thiết bị y tế, và các sản phẩm quốc phòng từ Mỹ để tạo thêm giá trị thương mại hai chiều" - TS Chu Thanh Tuấn nói.

Thực tế, với ngành hàng không, nhiều năm qua, các DN Việt đã liên tục lên kế hoạch đặt hàng mua máy bay từ Mỹ, trị giá hàng tỉ USD. Mới nhất là Vietnam Airlines được Bộ Tài chính gửi công văn hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp. Các lựa chọn có thể là Airbus A320NEO hoặc Boeing B737 MAX có tổng trị giá dự kiến khoảng 92.800 tỉ đồng (khoảng 3,7 tỉ USD).

Các hãng hàng không tăng cường đặt mua tàu bay từ Mỹ. Ảnh: LAM GIANG

Các hãng hàng không tăng cường đặt mua tàu bay từ Mỹ. Ảnh: LAM GIANG

Nếu được triển khai đúng theo lộ trình, Vietnam Airlines có thể đáp ứng các yêu cầu về tính khả thi của phương án huy động vốn và khả năng giao máy bay của các nhà sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần gia tăng nhập hàng từ Mỹ, nỗ lực cân bằng hơn cán cân thương mại.

Tương tự, theo kế hoạch trong năm nay, 14 chiếc tàu bay Boeing 737 Max đầu tiên sẽ được giao cho Vietjet, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là những chiếc tàu bay trong thỏa thuận mua 200 chiếc tàu bay Boeing 737 Max nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng đội bay của Vietjet. Trước đó từ năm 2017, hãng đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với những tập đoàn hàng đầu thế giới của Mỹ như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney, Honeywell, với tổng giá trị thương mại lên đến gần 50 tỉ USD.

Giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng

Trong diễn biến mới nhất, ngày 31-3, Chính phủ ban hành Nghị định 73 sửa đổi mức thuế suất MFN với một số mặt hàng, có hiệu lực từ ngày ký. Theo đó, thuế MFN - thuế nhập khẩu ưu đãi các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bao gồm cả Mỹ - sẽ giảm từ 31-3 với nhiều mặt hàng như ôtô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp (đùi gà, cherry, táo). Ông Francis Lee, đại diện Hiệp hội ngành hàng các sản phẩm nông sản của Mỹ tại Việt Nam, rất vui mừng khi từ 31-3, thuế nhập khẩu ưu đãi các nước trong WTO, trong đó có Mỹ được giảm đáng kể.

Đáng chú ý là nhóm các mặt hàng nông nghiệp như: đùi gà đông lạnh từ thuế 20% còn 15%; hạt dẻ cười từ 15% còn 5%; hạnh nhân 10% còn 5%; táo tươi từ 8% còn 5%, cherry từ 10% còn 5%; nho khô 12% còn 5%; một số mặt hàng gỗ từ 20%-25% còn 0%; ngô hạt và khô dầu đậu tương từ 1%-2% xuống 0%.

Theo ông Francis Lee, các nhà cung cấp từ Mỹ đã rất sẵn sàng để bán thêm hàng cho các DN Việt Nam. Hiện tại, một đoàn DN Mỹ đang thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tại Việt Nam thuộc các ngành hàng như: thịt, trái cây, nho khô, nguyên liệu thức ăn gia súc, thức ăn cho thú cưng...

Riêng với trái cây tươi, thị trường Việt Nam rất ưa chuộng. Mùa táo Mỹ năm nay (bắt đầu từ tháng 9-2024) đến nay đã xuất khẩu sang Việt Nam được 1,7 triệu thùng (mỗi thùng 20 kg) trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ xuất khẩu được 1,5 triệu thùng. Nay thuế suất giảm càng tạo điều kiện cho táo tươi Mỹ nhập khẩu về Việt Nam. "Cherry Mỹ sẽ là mặt hàng hưởng lợi sớm nhất khi thuế giảm từ 10% xuống còn 5% và đang thời điểm vào mùa. Năm nay, cherry Mỹ được mùa và chất lượng rất tốt" - ông Francis Lee hào hứng.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của Việt Nam, cho biết ngoài ngô hạt và khô dầu đậu tương từ Mỹ, các DN Việt có thể nhập máy móc nông nghiệp, con giống, các vật tư nông nghiệp theo chương trình hỗ trợ xuất khẩu nông sản Mỹ GSM-102 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) với ưu đãi được trả chậm 1 năm, lãi suất chỉ 1%/năm. "Việt Nam là nước được tham gia chương trình này nên rất có lợi thế nhưng hiện việc triển khai đang vướng một số vấn đề. Chúng tôi đang tập hợp ý kiến các bên để có kiến nghị cụ thể. Nếu chương trình triển khai tốt sẽ giúp hạ giá thành cho chăn nuôi Việt Nam chứ không chỉ là để tăng nhập hàng Mỹ" - ông Công đánh giá.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, nhận định việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ là một chiến lược quan trọng nhằm hướng tới cân bằng thương mại. Với giá trị các thỏa thuận mua hàng từ Mỹ đạt 4,15 tỉ USD và dự kiến tăng lên 90,3 tỉ USD trong năm 2025, nhiều lĩnh vực có tiềm năng đẩy mạnh nhập khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa giúp tăng cường quan hệ thương mại song phương.

Theo chuyên gia này, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ cao, việc nhập khẩu các thiết bị và công nghệ này sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và chuyển đổi số. "Nhà nước cần chính sách hỗ trợ DN Việt tiếp cận thị trường Mỹ, cải thiện chất lượng hàng xuất khẩu để tạo sự tương xứng trong thương mại. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu từ Mỹ bằng cách đơn giản hóa thủ tục, giảm rào cản thương mại. Khuyến khích DN Mỹ đầu tư vào Việt Nam để tạo chuỗi cung ứng hai chiều bền vững" - TS Trần Quang Thắng nói.

Chủ động đàm phán

Theo TS Chu Thanh Tuấn, Việt Nam có thể đẩy mạnh đàm phán cấp cao với chính quyền Tổng thống Donald Trump để tránh bị áp thuế, chủ động đề xuất một khuôn khổ hợp tác kinh tế đặc biệt thay vì chờ đợi Mỹ ra quyết định áp thuế. Chẳng hạn, hai nước có thể đạt một thỏa thuận tự nguyện hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhất định, giống như cách Nhật Bản đã từng làm với ô tô vào thập niên 1980 để tránh thuế quan từ Mỹ. Nếu Việt Nam có thể chứng minh rằng mình là một đối tác kinh tế đáng tin cậy của Mỹ, không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn trên lĩnh vực an ninh - chiến lược, Mỹ có thể cân nhắc không áp thuế hoặc chỉ áp dụng các biện pháp nhẹ hơn.

Tìm cách giảm sức ép tỉ giá

Ở góc độ khác, việc tăng nhập khẩu hàng từ Mỹ sẽ gây áp lực lên tỉ giá, do Việt Nam đang xuất siêu rất lớn từ thị trường này. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), nói rằng nỗi lo này là đúng bởi nhập khẩu hàng từ Mỹ cần lượng ngoại tệ lớn. Để giảm bớt áp lực này, Việt Nam cần giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ một số thị trường, bằng cách tăng tỉ lệ nội địa hóa. "Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Muốn giảm nhập hàng Mỹ mà vẫn duy trì cán cân thương mại thặng dư, không tác động quá lớn tới tỉ giá USD/VNĐ, cần tăng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Để chính sách này có hiệu quả, cần hỗ trợ các DN trong nước tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng của DN FDI, tập đoàn đa quốc gia" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/no-luc-can-bang-thuong-mai-voi-my-1962504022059346.htm