Nỗ lực cao nhất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: PHƯƠNG AN
Phát huy kết quả
Tính đến cuối tháng 1-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 74,4%, trong đó kế hoạch năm 2021 kéo dài đạt 50,3%, kế hoạch năm 2022 đạt 84%, tăng hơn 20% so với thời điểm 30-11- 2022, trong đó có kết quả rất lớn của chiến dịch cao điểm 50 ngày đêm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với kết quả này cho thấy ngoài đặc thù của công tác đầu tư công khối lượng thường tăng mạnh vào cuối năm còn có sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tiến độ giải ngân cho từng dự án, bao gồm thuyết minh, đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện; thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2023 trong năm phải đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 tương ứng để tạo điều kiện điều chuyển cho dự án khác có khả năng ngay trong năm.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các báo cáo, có chương trình, kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác giám sát. Để công tác đền bù giải tỏa được đẩy nhanh, các đơn vị liên quan phải có sự chuẩn bị thật tốt cho công tác đền bù và tái định cư, đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ, bám sát tình hình để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Trong thời gian thực hiện chiến dịch, một số nhiệm vụ, giải pháp lần đầu tiên được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện như công bố số liệu giải ngân hàng ngày của các chủ đầu tư; lồng ghép các bước công việc để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường. Cụ thể, ngay sau khi Hội đồng thẩm định giá thống nhất đơn giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất cập nhật vào dự thảo phương án bồi thường để niêm yết công khai, không chờ UBND tỉnh phê duyệt đơn giá”.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh công tác đầu tư công liên quan đến nhiều khâu, trong đó liên quan nhiều nhất về giá đất. Mặc dù kết quả đầu tư công năm 2022 chưa như kỳ vọng nhưng đây cũng là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền, nhân dân.
Tháo gỡ vướng mắc
Mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ nhưng qua nắm bắt tình hình, công tác đầu tư công của tỉnh còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung (74,4%) và tỷ lệ giải ngân công trình trọng điểm (66,3%) không đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra (90% và 95%), một số đơn vị, địa phương đạt tỷ lệ rất thấp.
Các dự án trọng điểm, kế hoạch vốn lớn có tỷ lệ giải ngân thấp như thiết bị Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (0%), xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai (14%), khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn (thuộc khu quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường và Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh) (14%), nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) (16%). Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp vẫn chưa được triển khai kịp thời, một số nhiệm vụ, giải pháp có triển khai thực hiện nhưng còn chưa triệt để đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.
Lý giải về những hạn chế trên, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Các vướng mắc, bất cập trong công tác đầu tư công đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết ngay như vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các vướng mắc trong xây dựng, ban hành phương án giá đất, phối hợp trong việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số vốn không giải ngân hết của tỉnh khá lớn. Để bảo đảm nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận kéo dài kế hoạch vốn của nhiều dự án, trong đó một số dự án được dự báo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm trong năm 2022. Thực tế tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài thấp đã ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ giải ngân chung trong năm 2022.
Dốc lực để đạt mục tiêu
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian thực hiện chiến dịch; đồng thời, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chưa đạt hiệu quả.
Tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dự tính cuối năm 2023 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, thông xe toàn tuyến
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải đôn đốc, tăng cường chỉ đạo công tác đền bù giải tỏa; tập trung các công trình trọng điểm như Vành đai 3; Vành đai 4, đường Thủ Biên - Đất Cuốc; đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất, Tổ giúp việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, kịp thời hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để thẩm định và trình phê duyệt các hồ sơ, nhất là các hồ sơ tồn đọng chuyển tiếp từ năm 2022.
Đối với các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023, ông Võ Văn Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất những thủ tục cần thiết để sớm triển khai, không để tập trung vào cuối năm, hạn chế các rủi ro phát sinh dẫn đến không kịp giải ngân kế hoạch vốn. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị dốc toàn lực để đạt mục tiêu công tác đầu tư công quý I phải đạt 25%, 6 tháng đầu năm đạt 65%.