Nỗ lực cao nhất để hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thời gian qua, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, cũng như tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội thảo để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, hiệp hội để có thể hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất, bảo đảm chất lượng khi trình Quốc hội thông qua.

Địa phương được quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn

Báo cáo về quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), với 92 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Tổ, 21 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường và 1 ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý bằng văn bản.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội, tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại Phiên họp tháng 8.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tiếp đó, Thường trực Ủy ban đã báo cáo về nội dung này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Tuấn, dự thảo Luật hiện gồm 10 Chương, 73 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 53 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 6 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 8 Điều.

Trong đó, về vấn đề chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 13, 47 và 67), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chỉnh lý bổ sung quy định về các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp bắt buộc phải cam kết dùng chung và chia sẻ hạ tầng; bổ sung nội dung Nhà nước quy định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và cơ chế giá thuê hạ tầng dùng chung. Cụ thể, đã bổ sung điểm b khoản 4 Điều 13 về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; bổ sung quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá tại khoản 5 Điều 47; bổ sung trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông tại điểm d khoản 1 Điều 67.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng thấy rằng, ý kiến đề nghị giao cho địa phương quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn quản lý giữa các doanh nghiệp viễn thông là hoàn toàn xác đáng. Do đó, đã bổ sung tại điểm a khoản 4 Điều 47 dự thảo Luật về thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về viễn thông thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ chế chính sách dùng chung cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo theo chương trình quốc gia về viễn thông công ích dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm b khoản 3 Điều 47, đồng thời, chỉnh lý khái niệm hoạt động viễn thông công ích (khoản 1 Điều 30), quy định mục đích của Quỹ (điểm a khoản 3 Điều 32), nêu rõ địa bàn thực hiện bao gồm miền núi, biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Có miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung không?

Cơ bản tán thành với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), nhưng đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị, về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông được quy định tại Điều 47 cần quy định rõ cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về viễn thông tại Trung ương quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông thay vì quy định chung chung là “cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về viễn thông” như dự thảo Luật.

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, nếu có quy định từ cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ở Trung ương về việc chia sẻ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thì sẽ là một bước tiến trong dùng chung hạ tầng thụ động. Trên cơ sở đó sẽ tạo sự đồng thuận giữa các doanh nghiệp, tạo sự thống nhất trong thực hiện tại các địa phương.

Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cũng đã phát sinh yêu cầu về miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, trong đó có công trình viễn thông, trong các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở các ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính đã có công văn số 7865/BTC-QLG báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng miễn phí hạ tầng kỹ thuật dùng chung trong ngành công an.

Cụ thể, qua rà soát pháp luật hiện hành nhận thấy, hiện chưa có quy định cụ thể làm cơ sở thực hiện miễn phí sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đối với các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Do vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ giao các bộ rà soát quy định tại các luật, trong đó có rà soát Luật Viễn thông để bổ sung quy định miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, trong đó có hạ tầng viễn thông, đối với các công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Bà Định Thị Nương cũng nêu rõ, trong quá trình cho ý kiến với dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ Năm đã có đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, bên cạnh việc thực hiện thông qua hợp đồng thì phải ưu tiên miễn phí đối với các trường hợp cấp bách, các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Do vậy, theo đại biểu, tại dự thảo Luật cần bổ sung quy định miễn, giảm giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông dùng chung đối với các trường hợp cấp bách, các trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, dù tán thành với việc giữ Quỹ viễn thông công ích, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng nhận thấy, qua rà soát quy định tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thì có sự trùng lặp về mục tiêu, đối tượng, phạm vi hỗ trợ giữa các chương trình này và quy định tại dự thảo Luật về Quỹ viễn thông công ích.

Đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành, đơn vị hữu quan đối với dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý. “Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường luôn cầu thị, mời đại diện các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, hiệp hội và đại diện doanh nghiệp tham gia vào tất cả các cuộc họp. Trong nhiều đạo luật trước đó, Thường trực Ủy ban cũng mời các hiệp hội cùng tham gia quá trình này và làm việc cả ngày, cả đêm để bảo đảm khi Luật được ban hành có tính khả thi cao, trở thành động lực phát triển mới cho ngành, lĩnh vực”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/no-luc-cao-nhat-de-hoan-thien-du-thao-luat-vien-thong-sua-doi-i345126/